Rẽ nước, vượt sông đến lớp

GD&TĐ - Nhiều năm nay, học sinh thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung (Cao Lộc, Lạng Sơn) phải đi học bằng những tấm bè tự chế rất nguy hiểm. 

Rẽ nước, vượt sông đến lớp

Thực tế đã có trường hợp tử vong trong hành trình lênh đênh tìm con chữ của các em. Song ở thời điểm hiện tại thì đó là phương tiện duy nhất để các em rẽ nước, vượt sông đến trường. Hơn bao giờ hết, người dân nơi đây luôn trông ngóng có một cây cầu kiên cố để sự học của con em họ không còn chông chênh giữa dòng sông nước.

Vất vả đường đến trường

Dòng sông Kỳ Cùng cắt xã Bình Trung thành hai khu tách biệt. Thôn Xuân Lũng nằm ở một bên của con sông này. Người dân muốn đi chợ, thông thương hoặc là giao lưu với các vùng khác chỉ còn cách là rẽ nước, vượt sông và phương tiện duy nhất mà họ sử dụng là những tấm bè tự chế.

Điều đó lý giải vì sao hầu như hộ gia đình nào cũng có một chiếc bè theo kiểu “tự cung, tự cấp, tự quản và tự sử dụng”. Song điều đáng nói là, con đường đến trường của con em họ không chỉ đơn thuần là những khó khăn, vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng, bởi để đến được trường, cách duy nhất là các em phải lênh đênh trên sông bằng những tấm bè tự chế này.

Anh Vi Văn Sim – một người dân nơi đây - cho biết: Hàng ngày để đến được trường, học sinh phải đi bộ khoảng 1km từ trong làng đến bờ sông. Sau đó, các em sang sông bằng những tấm bè tự chế của người dân địa phương. Sang sông rồi, các em còn phải đi bộ hơn 2km nữa mới đến được trường học. Gia đình nào có điều kiện cũng chỉ đưa con đến bờ sông rồi các con tự đi theo cách trên.

“Thời điểm này chưa phải là mùa nước nên bà con có thể dùng các tấm bè kết lại thành cầu để sang sông. Tuy nhiên vào mùa nước lũ thì việc thôn Xuân Lũng bị cô lập 3 - 4 ngày là chuyện bình thường.

Song nguy hiểm nhất là đoạn sông mà các em đi qua rộng khoảng hơn 100m, độ sâu từ 4 - 5m, nên vào mùa mưa rừng, nước lũ có thể cuốn trôi cả người và bè bất cứ lúc nào” – anh Sim lo lắng cho hay. Khoảng hơn một năm trước, đã có trường hợp phụ huynh chèo bè qua sông đón con đi học về nhưng không may bè bị lật nên đã thiệt mạng.

“Mỗi năm có hàng chục người bị rơi xuống khúc sông này, trong đó có nhiều em là học sinh nhưng may mắn được người dân trông thấy và cứu vớt” – anh Sim thở dài ngao ngán.

Anh Sim cũng cho hay, bản thân mình từ ngày còn là học sinh, đã phải đi bè để đến trường. Sau này, anh học ở Trường Đại học Y Thái Nguyên, mỗi lần về quê anh thường gửi đồ ở nhà người dân ven sông rồi tự bơi về nhà. Vậy mà từ ngày ấy đến nay, con em thôn Xuân Lũng vẫn lặp lại cảnh cũ mà cha anh mình đã trải qua.

Ước mong có một cây cầu

Theo chân anh Sim, tôi đến nơi người dân tập kết những tấm bè. Dòng sông Kỳ Cùng mênh mông, gợn sóng bởi những luồng gió Đông Nam mát dịu. Lấy hết can đảm và định thần một hồi lâu, tôi rón rén bước lên tấm bè đã được người dân kết lại thành cầu để sang sông. Tôi bước đi trong cảm giác chông chênh, tưởng chừng như có thể rơi ngay xuống nước bất cứ lúc nào, bởi bè tre trơn trượt, có đoạn vẫn ngập chìm dưới nước.

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã sang sông an toàn. Ngoảnh lại phía sau là một em học sinh tiểu học cũng đang “mò mẫm” từng bước đi để sang sông. Nhìn em thật nhỏ bé trước dòng nước mênh mông, sông dài và rộng. Cuối cùng em cũng tự mình sang sông an toàn.

Đó là em Hoàng Trung Hải, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Khánh Khê (Văn Quan, Lạng Sơn). Hôm nay, em không khỏe nên được mẹ ra bờ sông đón về, còn bình thường thì sáng em đi học cùng chị gái đang học cấp 2, buổi trưa em tự đi bộ về cùng các bạn. Trò chuyện với mẹ của Hải, tôi được biết, giải pháp để đảm bảo an toàn cho con em họ là dạy các con biết bơi. Hàng ngày, đi học đều nhắc các con mang theo cặp phao mà xã cấp để đảm bảo an toàn tính mạng.

“Chúng tôi mong ngày, mong đêm có một cây cầu kiên cố để trẻ con đi học đỡ vất vả. Cứ như thế này thì con đường đến trường của con em chúng tôi vẫn còn chông chênh, nguy hiểm lắm. Những ngày mưa to, gió lớn và nước lũ dâng cao chỉ còn cách là cho con nghỉ học ở nhà” - bà mẹ trẻ trải lòng.

Còn em Tôn Thị Thùy - học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Quan - bộc bạch: “Mùa lũ có hôm em phải nghỉ học. Vì em đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào Kỳ thi THPT quốc gia nên em không muốn nghỉ học nhiều. Có những hôm trời mưa, em vẫn cố đi học nhưng không dám đi bè. Thay vào đó em đi bộ men theo đường rừng mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến được trường. Chúng em chỉ ước mong có một cây cầu bắc qua khúc sông này để con đường đến trường của chúng em được thuận lợi hơn”.

Cũng chỉ vì cách núi, ngăn sông khiến nhiều em phải dở dang sự học. Số học sinh học đến bậc THPT và chuyên nghiệp của thôn Xuân Lũng còn rất hạn chế. Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Thàng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung - cho biết: Đúng là ở đây giao thông khó khăn, đường chưa có, cầu cũng không, người dân, học sinh đi lại chủ yếu bằng phương tiện bè mảng tự chế.

Trước đó, cách đây 10 năm vào năm 2006, UBND huyện Cao Lộc có đầu tư kinh phí xây một cây cầu tạm cho bà con qua sông. Nhưng sử dụng được khoảng 2 năm thì huyện Văn Quan xây dựng một đập thủy nông, nước sông Kỳ Cùng dâng cao, nhấn chìm cây cầu tạm dưới dòng nước.

“Xã cũng biết và rất chia sẻ những khó khăn về giao thông mà người dân thôn Xuân Lũng đang gặp phải. Vì thế, nguyện vọng của bà con là chính đáng.

Tuy nhiên, kinh phí làm cầu rất cao, ngân sách của địa phương không cho phép, nên chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào cấp trên hoặc từ nguồn vốn của tỉnh, của Trung ương để đầu tư nâng cấp, xây mới cây cầu, giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn” – ông Thàng bộc bạch và cho hay xã cũng đã nhiều lần đề đạt việc xây cầu lên cấp trên.

Vào khoảng tháng 11, 12/2015, có đoàn công tác xuống xã để khảo sát và có nói đến dự án làm cầu kiên cố ở thôn Xuân Lũng nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ quay trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ