Rào chắn lạ xuất hiện ở Hải Phòng

GD&TĐ - Một đoạn dài vỉa hè đường nông thôn mới thuộc thôn Thắng Lợi, xã An Hưng, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị vây chắn bởi lưới sắt cao.

Vỉa hè bị rào chắn, người dân tràn xuống đường bán hàng mưu sinh.
Vỉa hè bị rào chắn, người dân tràn xuống đường bán hàng mưu sinh.

Theo phản ánh của người dân thôn Thắng Lợi, nhiều tháng nay, hàng trăm mét vỉa hè trục đường thôn Thắng Lợi (đoạn chợ Hỗ) bị rào chắn bởi hàng rào dây thép cao khoảng hơn 2 mét.

Đáng nói, đoạn đường bị rào vỉa hè này nằm ngay phía trước Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Tuấn Anh. Nhiều người cho rằng công ty tự ý rào chắn để ngăn chặn người dân ngồi buôn bán hàng rong.

an-hung3.jpg
Đoạn vỉa hè từ cổng Công ty Tuấn Anh bị rào chắn, người dân vô tư đỗ xe dưới lòng đường.

Điều vô lý khiến nhân dân quanh khu vực bất bình là vỉa hè chỉ rào chắn từng đoạn, lối ra vào của công ty, khu vực nhà riêng của lãnh đạo công ty cũng nằm trên đoạn đường đó lại không bị chắn. Đặc biệt, giữa đoạn hàng rào dài bị chắn, có hộ dân được mở lối thụt vào trong vỉa hè để làm quán bán nước.

an-hung9.jpg
Giữa đoạn hè bị rào chắn bằng lưới sắt, có một hàng nước "xé rào" ngồi trong.

Theo ghi nhận, đoạn đường thôn Thắng Lợi nằm sát chợ Hỗ, nơi buôn bán hàng hoá, nông sản của nhân dân nhiều năm nay. Dù vỉa hè bị chắn, người dân vẫn bày bán hàng ngay dưới lòng đường để mưu sinh. Theo phản ánh của người dân, tuy ngồi bán hàng ở lòng đường nhưng mỗi sạp hàng họ đều phải “đóng tiền lốt” từ 400-700 nghìn đồng/ 1tháng cho người quản lý chợ Hỗ.

Hơn nữa, xung quanh khu vực vỉa hè bị rào chắn, rác thải sinh hoạt, rác môi trường vẫn để bừa bãi; xe máy, ô tô của người dân đỗ vô tư trên lòng đường mà không có lực lượng chức năng nào nhắc nhở, xử lý.

an-hung5.jpg
Đoạn cổng ra vào 1 căn nhà biệt thự ngay cùng đoạn đường lại không bị chắn rào.

Bà Nguyễn Thị Tuyến (65 tuổi, thôn Thắng Lợi) cho hay, đoạn đường nông thôn mới là do nhà nước và nhân dân cùng làm. Giờ đường đã mở rộng, vỉa hè cũng đẹp hơn nhưng lại bị rào chắn lại, nhân dân không có chỗ đi lại. Đường ngay gần chợ nên nhiều người bày bán hàng không ngồi trên vỉa hè, buộc phải ngồi tràn xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông. Hơn nữa, hàng rào chắn bằng sắt thép, nếu trời mưa sấm chớp mà truyền điện giật chết người thì ai chịu trách nhiệm?

Bà Nguyễn Thị Luận (70 tuổi, thôn Nam Hoà, xã An Hưng) cho hay, nhân dân không đồng tình với việc rào chắn vỉa hè của đường giao thông. Cần làm rõ trách nhiệm ai là người chắn vỉa hè lại không cho nhân dân đi lại. Việc không cho các hộ bán hàng rong trên vỉa hè, người dân đồng ý nếu chính quyền làm nghiêm. Nhưng hàng tháng, ngồi bán hàng dù chỉ ngoài đường, người dân vẫn phải đóng phí.

Bà Luận nêu ý kiến, việc rào chắn vỉa hè là trái quy định pháp luật. Cử tri nhân dân xã đã đề nghị với chính quyền địa phương dỡ rào chắn vỉa hè ra.

an-hung6.jpg
Người dân lấn lòng đường để bán hàng.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (62 tuổi, thôn Thắng Lợi, xã An Hưng) chia sẻ khi nhà nước làm đường, người dân khấp khởi mừng vì hạ tầng giao thông thuận tiện, vỉa hè thoáng đãng đi lại dễ dàng. Nhưng từ ngày đoạn đường chợ Hỗ, thôn Thắng Lợi làm xong thì vỉa hè lại bị chắn lại. Nhân dân đã có ý kiến đến chính quyền nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Thế- Chủ tịch UBND xã An Hưng cho biết, người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè họp chợ và làm mất vệ sinh môi trường nên xã đồng ý cho rào chắn đoạn vỉa hè nói trên. Khi nào dẹp chợ xong xã sẽ cho tháo dỡ.

an-hung2.jpg
Bên trong vỉa hè bị chắn, từng bao lớn rác chất đầy gây mất mĩ quan.

Ông Nguyễn Văn Thứ – Bí thư xã An Hưng cho hay, trong kỳ họp HĐND xã vào dịp giữa năm cử tri cũng có ý kiến về việc rào chắn vỉa hè thôn Thắng Lợi. Phía Đảng uỷ xã tôn trọng ý kiến của Chủ tịch UBND trên phương diện đảm bảo an toàn giao thông và việc họp chợ của bà con nhân dân. Vì nhiều lần lực lượng công an và chính quyền rất vất vả về việc dẹp họp chợ dưới lòng đường.

Ông Thứ cho biết thêm, phía Đảng uỷ xã An Hưng không chỉ đạo về việc làm rào chắn vỉa hè của đường giao thông, phía chính quyền cũng không báo cáo Đảng uỷ về việc này.

an-hung.jpg
Cảnh họp chợ dưới lòng đường là chuyện thường xuyên tại chợ Hỗ, thôn Thắng Lợi, xã An Hưng.

Hiện nay, huyện An Dương, TP Hải Phòng đang trong giai đoạn nước rút đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông để thực hiện lộ trình lên quận vào năm 2025. Thực hiện xây dựng Nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, nhiều tuyến đường và các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt được người dân trên địa bàn xã An Hưng đã, đang được triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng, qua đó từng bước thay đổi nhận thức trong nhân dân, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới.

Việc dẹp chợ cóc, hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Nhưng việc chính quyền xã An Hưng tự ý làm rào chắn vỉa hè là hành động không đúng quy định pháp luật. Thiết nghĩ, UBND huyện An Dương cần xem xét, chỉ đạo địa phương sớm giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân để "đường thông, hè thoáng" phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.