Rạn vỡ tình cảm, đừng đổ lỗi cho “quỹ đen“

Quỹ đen, liệu có giúp cuộc sống gia đình duy trì ổn thỏa, hay khiến vợ chồng mất lòng tin, xa cách nhau hơn, điều này còn tùy vào mục đích và cách ứng xử của mỗi người.

Rạn vỡ tình cảm, đừng đổ lỗi cho “quỹ đen“

Là vợ chồng, nên chăng “phòng thân”?

Trước khi lấy chồng, chị Lê Thị Minh Thu ở Tân Bình (TPHCM) đã được nghe rất nhiều lời khuyên, dặn dò rằng, tuy vợ chồng là chuyện trăm năm, nhưng người phụ nữ không bao giờ nên tin tuyệt đối vào chồng.

Cách tốt nhất, là nên có chút phòng thủ cho mình, phòng khi bất trắc, bằng cách lập một “quỹ đen” nho nhỏ. Thế là, chị Thu giấu chồng mua một khoản bảo hiểm cho bản thân mình, coi như một loại quỹ đen.

Hằng tháng, tiền chi tiêu trong nhà, chị chắt bóp bớt phần này, xén phần kia một ít, dư ra một vài triệu đồng đóng bảo hiểm. Chị vẫn nói với bạn bè, để phòng lúc bất trắc, vì dù gì chồng cũng có phải ruột rà đâu, lỡ thay lòng đổi dạ thì mẹ con chị còn có khoản tiền đảm bảo cuộc sống. Không chỉ mình chị Thu có quỹ đen, anh Thân, chồng chị cũng thế.

Khi lấy vợ, mẹ anh Thân có nhỏ to với anh là dù là vợ chồng gắn bó, nhưng chuyện đời không mấy ai ngờ. Bà còn đem chuyện của những người quen ra kể, nào là có người bị vợ lừa hết tiền, có người thì vợ quản chặt đến nỗi cha mẹ, anh em có việc, cũng không cách nào giúp được...

Thế là hàng tháng, lương anh đưa gần hết cho vợ, giữ lại ít tiền tiêu vặt, còn khoản ngoài lương không ít, anh chuyển vào tài khoản để mẹ giữ giùm.

Hai vợ chồng, mạnh ai nấy lập quỹ riêng để phòng ngừa rủi ro cho mình. Nhưng vợ chồng chung nhà cùng giường, khó có chuyện gì giấu mãi được.

Lần lượt, họ cũng phát hiện ra người kia giấu mình có khoản tiền riêng. Cả hai vợ chồng đều hết sức bất ngờ, thất vọng và tổn thương. Họ cảm thấy bị lừa dối và không tôn trọng bởi chính bạn đời của mình…

Câu chuyện của chị Lâm Tiêu Thanh ngụ quận 5 (TPHCM) thì hoàn toàn ngược lại. Lấy chồng, tin chồng hết mực, hai vợ chồng chị cùng chịu thương chịu khó, gầy dựng buôn bán, dần dần mở công ty nhỏ, làm ăn phát đạt.

Chị chẳng có chút phòng bị nào cho bản thân, đến khi phát hiện ra chồng lập phòng nhì bên ngoài và đã có con riêng thì muộn rồi, đa phần tài sản có giá trị, chồng chị đã âm thầm chuyển tên cho vợ bé. Ly dị, chị trở về nhà mẹ đẻ với chút ít tài sản còn lại, lòng đầy ăn năn vì trước đây không thủ thế, để giờ phải lâm vào cảnh khó khăn.

Nhiều trường hợp khác nhau xảy ra cho thấy, lập quỹ cũng dễ gây “lục đục” nội bộ, khiến vợ chồng mất hạnh phúc, mà không có quỹ đen cho mình cũng dễ khiến mình trở tay không kịp, rơi vào bất lợi khi có chuyện bất trắc xảy ra.

Có người bảo, là vợ chồng, tuy hai mà một, thủ thế về tiền bạc sẽ gây mất niềm tin, rạn nứt tình cảm, nhưng nhiều người lại quan niệm rằng, không lập quỹ đen sẽ thiếu chủ động trong cuộc sống. Nên hay không nên lập quỹ đen, đó là câu hỏi rất khó cho mỗi người khi lập gia đình.

Rạn vỡ tình cảm, đừng đổ lỗi cho “quỹ đen“ ảnh 1

Lập quỹ đen để giữ gìn hạnh phúc?

Tuy nhiên, rất nhiều gia đình có kinh nghiệm chung sống hạnh phúc đã có một chia sẻ bất ngờ, đó là “quỹ đen” đôi khi lại chính là một viên gạch góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình. Điều này, thoạt nghe thì hơi lạ, nhưng không phải là không có lý.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cao (Biên Hòa, Đồng Nai) sống với nhau gần hai mươi năm trời, vợ làm giáo viên, chồng làm kế toán cho một công ty nho nhỏ, đồng lương đủ để sống bình thường, nuôi hai con ăn học nên người.

Lúc về hưu, con cái đã đi làm có tiền, ngỏ ý góp tiền cho ba mẹ xây lại căn nhà cũ cho khang trang, đẹp đẽ, ông phản đối vì cho rằng, già rồi mà phải vay nợ xây nhà đến bao giờ mới trả được. Ai ngờ, lúc này bà đưa ra một khoản tiền hơn 200 triệu, bảo bà tích cóp từ đó đến nay bằng cách tiết kiệm một số chi phí không đáng.

Thế là cả nhà cùng nhau góp tiền xây nhà mới, ai cũng nể bà mẹ khéo vun giỏi vén, để dành được bằng ấy tiền trong hoàn cảnh đồng lương hai vợ chồng chẳng dư dả gì.

Đó là về phần các bà vợ, còn cánh đàn ông, chuyện lập quỹ đen cũng rất cần cân nhắc. Nếu là quỹ đen để giấu vợ làm chuyện mờ ám, ngoài luồng thì không bàn đến, nhưng ở hoàn cảnh bình thường, lập quỹ đen nho nhỏ để “khỏi phiền đến vợ” cũng là cách mà nhiều ông chồng lựa chọn.

Anh Trung Minh - Nhân viên một ngân hàng lớn ở TPHCM - chia sẻ, anh và bạn bè hầu hết đều có quỹ đen, đó là tiền từ thưởng hàng quý, tiền thưởng đột xuất… góp lại, để ở một tài khoản riêng.

Ngoài tiền dùng tiêu hàng ngày công khai cho vợ biết, khoản tiền này, các anh dùng để sử dụng cho những việc cũng “đột xuất”, như lúc tụ tập, bù khú tốn kém chút đỉnh, hay lúc gia đình, anh em, bạn bè cần giúp đỡ thì ra tay.

“Không cho vợ biết không phải là thiếu tôn trọng, lừa dối vợ mà là để vợ khỏi phiền lòng. Đôi khi phụ nữ hay vun vén, chắt bóp, có thể phản ứng khi chồng cần tiền cho những việc ngoài gia đình.

Nhưng đàn ông thì cũng cần có sĩ diện, có lúc phải dùng nhiều tiền, thôi thì dành riêng, tự mình quyết, vợ không biết, mình cũng không sai, cả hai đều vui vẻ” - Anh Minh chia sẻ.

Chuyện lập quỹ để ứng phó với những chuyện đột xuất, không chỉ có cánh đàn ông. Với phụ nữ, quỹ đen ngoài có tính chất “lưu động”, dùng cho việc cần kíp, còn làm những chuyện nho nhỏ như làm đẹp hay chăm sóc bản thân, nâng cấp nhan sắc nữa.

Cũng có những cặp vợ chồng khá “hay ho”, nói là quỹ đen, nhưng thực chất ai cũng biết người kia có. Họ biết nhưng coi đó như một mặc định, và tôn trọng quỹ đen của đối phương, bởi ai cũng cần phải có chút riêng tư.

Như vậy, xin đừng đổ lỗi, bởi quỹ đen đâu phải việc không hay. Quỹ đen gây rạn nứt, đổ vỡ tình cảm hay vun vén thêm yêu thương, vững chắc hơn nền tảng gia đình, điều này còn tùy vào mục đích và hành xử của mỗi người…

Theo Dantri.com.vn/PLO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.