Trước đó, sáng sớm 19/5, gia đình bà nghe thấy chú chó nuôi trong nhà kêu ẳng ẳng bất thường, 15 phút sau, mặt chú chó con biến dạng, nằm thở hổn hển, miệng sùi bọt và dưới cằm có một vết thương rớm máu.
Ngay sau đó, gia đình bà đưa chú chó đến Trạm Thú y TP Đà Lạt cấp cứu. Tại đây các bác sĩ nghi con chó bị rắn cắn, nhưng do gia đình không bắt gặp “hung thủ” nên không thể xác định được chính xác. Sau 2 tiếng cấp cứu, bác sĩ cho biết tình trạng chú cún khá nghiêm trọng và được giữ lại trạm thú y để theo dõi.
Trưa cùng ngày, con gái bà Sum đi làm về thì phát hiện một con rắn màu xanh dài khoảng 50cm, toàn thân màu xanh lá cây và một đoạn sau đuôi có màu đỏ. Chị này đã hô hoán người nhà tìm cách bắt con rắn.
Rắn lục đuôi đỏ được xem là một trong những loài rắn có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm
Nhận con rắn từ gia đình bà Sum, cơ quan thú ý và y tế đã khẳng định đây là loài rắn lục đuôi đỏ lần đầu tiên phát hiện được ở Đà Lạt. Chính con vật này là "thủ phạm" cắn thú nuôi của nhà bà Sum.
Rắn lục đuôi đỏ được xem là một trong những loài rắn có nọc độc mạnh. Nạn nhân sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường rất đau đớn, vết cắn sưng nề, chảy máu khó cầm, có tình trạng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, có các triệu chứng nôn, đau bụng, có thể bị hoại tử các chỗ bị rắn cắn, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, để đề phòng sự tấn công của rắn lục đuôi đỏ, người dân sinh sống ở những khu vực có bụi nhiều, có vườn hoặc gần các khu đất cây cỏ mọc nhiều nên phát quang, dọn vệ sinh sạch sẽ.
Việc dọn dẹp nên tiến hành vào ban ngày, khi làm nên mặc đồ bảo hộ dày, đi ủng cao cổ, quan sát kỹ càng và dùng gậy khua mạnh phía trước. Buổi tối, nên đóng kín cửa, không ngủ dưới nền nhà, hạn chế đi lại ở những nơi có nhiều cỏ rậm, lau lách.