Rác văn hóa tấn công giới trẻ!

Rác văn hóa tấn công giới trẻ!

Đã đến lúc chúng ta phải chung tay thanh lọc không gian mạng, loại bỏ “rác” văn hóa để bảo vệ người trẻ.

Có tội với giới trẻ vì bỏ mặc mầm mống lệch lạc

Việc kiếm tiền trên các kênh YouTube, Facebook rất phổ biến. Chính vì vậy, bất chấp các quy định, rào cản từ các cơ quan quản lý, số lượng các sản phẩm văn hóa (video ca nhạc, phim ngắn) có nội dung nhảm nhí, dung tục vẫn đều đặn xuất hiện trên các trang mạng. Nó thu hút một lượng không nhỏ người xem.

Hiện tượng Khá Bảnh với lối sống giang hồ đã ít nhiều để lại cho xã hội, gia đình và nhà trường bài học lớn về việc kiểm soát con em mình trong tương tác với không gian mạng. Bởi không ít bạn trẻ thần tượng Khá Bảnh như một chuẩn mực sống thời 4.0.

Vì mục đích câu view, câu like và lôi kéo lượt theo dõi, tương tác, không ít YouTuber, ca sĩ tự phong đã dựng và quay những clip hết sức phản cảm. Gần đây trên Facebook, YouTube và cả trên trang mạng xã hội TikTok đang lan truyền nhiều video ca nhạc hết sức lố lăng, trần trụi và thô tục như: “Em muốn lái chị”, “Bốc bát họ”, “Chuẩn con mẹ nó luôn”, “Tình nghĩa anh em”… với những hình ảnh gợi dục, bạo lực, ca ngợi trần trụi mặt trái xã hội.

TS Nguyễn Quang Tiệp - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn cho biết, ông cảm thấy hết sức bất an khi không gian mạng hiện quá nhiều nhảm nhí. Những clip nhạy cảm, rùng rợn (chém giết, hút chích ma túy, cổ vũ lối sống hưởng thụ, thác loạn) cũng đầy rẫy, chỉ một cú click chuột là dễ dàng xem và tương tác.

“Cá nhân tôi thấy đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa phải có giải pháp siết các loại hình trên. Clip, video ca nhạc gì mà ngoài ca từ nhảm nhí, trần trụi, còn hình ảnh trẻ em cầm thuốc hút, rồi hình ảnh ăn chơi, thác loạn ngập tràn trong mọi khung hình, thật sự là hết sức lo lắng. Vẫn biết trách nhiệm quản lý, giáo dục con cái thuộc về cha mẹ và từng gia đình nhưng nếu chúng ta cứ bỏ mặc những mầm mống nguy hiểm, sự lệch lạc trong định hình lối sống, văn hóa trên sẽ là có tội với thế hệ trẻ” – TS Tiệp nói.

Gia tăng hậu kiểm, giải pháp bảo vệ người trẻ

Trên thực tế, các YouTuber kiếm tiền nhờ lượt xem quảng cáo và lượt click vào quảng cáo xuất hiện trên các video. Để hạn chế các nội dung xấu ngày càng tràn lan, việc siết chặt quảng cáo trên những video này là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện các chính sách hậu kiểm từ các trang mạng, YouTuber, Facebook gần như không theo kịp với tốc độ phát triển của người dùng (xem) và người sản xuất khi các clip, video nhảm nhí, cổ vũ lối sống lệch chuẩn vẫn ‘lọt” tường lửa (báo cáo vi phạm).

Thời gian qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có các sản phẩm văn hóa, video, phim ca nhạc không phù hợp phải xóa và rút khỏi các trang mạng. Tuy nhiên, các loại “rác” văn hóa vẫn tràn lan.

Đánh giá về hiện tượng trên, luật sư Lê Bá Thường – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, hiện nay thực sự chưa có luật nào cấm các doanh nghiệp không được phát quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu. Nếu video/clip có nội dung không phù hợp chính sách của Đảng và Nhà nước phát trên mạng thì đó là trách nhiệm của đơn vị tạo trang mạng xã hội/thông tin điện tử đấy không kiểm duyệt nội dung trước khi đăng.

“Vì không kiểm duyệt nội dung nên khi nó chèn quảng cáo vào video/clip đang chạy trên các trang YouTube, Facebook hay một nền tảng nào đó, thì nền tảng ấy sẽ phải chịu trách nhiệm. Hiện chưa có luật cấm nên thường những nền tảng này sẽ bị xử phạt hành chính. Còn trách nhiệm hình sự thì bên sản xuất ra video/clip có nội dung xấu sẽ phải chịu” – luật sư Thường phân tích.

Nhìn nhận việc để “rác” văn hóa trên các trang mạng ngày ngày tiêm nhiễm vào đầu óc thế hệ trẻ sẽ để lại những hệ lụy vô cùng to lớn, TS tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) cho rằng gia đình, các bậc cha mẹ chính là người phải bảo vệ con mình đầu tiên, sau đó mới đến thầy cô, nhà trường hay các cơ quan hữu trách.

Theo TS Đào Lê Hòa An, việc những đoạn clip, video, sản phẩm âm nhạc có ngôn từ khó nghe, hình ảnh dung tục, cổ súy lối sống hưởng thụ được giới trẻ hết sức tung hô đến từ 2 lý do chính. Đó là tâm lý phản kháng và yếu tố hòa tan. Những vấn đề thuộc về “quy chuẩn đạo đức” hiện nay vốn được người lớn truyền tải một cách khá “máy móc”, khô cứng như ép con không được nói tục, chửi thề nhưng không giải thích cặn kẽ lý do. Thầy cô bắt học sinh phải biết kiềm chế cảm xúc chứ không hề chỉ dạy cho các em cách thể hiện cảm xúc… Tất cả đã gián tiếp đẩy các em đến các sản phẩm văn hóa không chuẩn mực trên.

Yếu tố “hòa tan” với văn hóa phương Tây nơi người trẻ đến cùng sự mở cửa và tác động của cách mạng 4.0. Việc truy cập và theo dõi các trang thông tin, những đoạn clip từ nước ngoài cực kì dễ dàng… Trong khi đó các bạn trẻ chưa thật sự hiểu hết giá trị và sự khác biệt, từ đó có tư tưởng “bài xích” văn hóa phương Đông, cho rằng đây là lối suy nghĩ cổ hủ, từ đó “hòa tan” vào văn hóa phương Tây rồi đâm thích các loại hình giải trí trên.

“Việc tiếp nhận những câu từ không hay thường xuyên dần sẽ tạo thành thói quen và phản xạ trong hành vi và lời nói. Những hình ảnh từ các ấn phẩm “rác” văn hóa ngày ngày tiêm nhiễm vào tri giác, cảm xúc lâu dần hình thành nơi giới trẻ tư tưởng học đòi, thể hiện… Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Nếu các bậc cha mẹ không sớm nhận thấy, “nắn” các em một cách khéo léo trong suy nghĩ và hành động thì hệ lụy mà những loại “rác” văn hóa trên không gian mạng mang lại trong đời sống thực là rất to lớn”. - TS Đào Lê Hòa An 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…