Rác của ai?

GD&TĐ - Ngay trong tuyến phố du khách nước ngoài đi lại nườm nượp, lại tồn tại một bãi rác tự phát bốc mùi nồng nặc giữa cái nắng nóng mùa hè Hà Nội. Thủ đô ta đang phấn đấu để Hà Nội đi đầu phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp – Văn Minh” mà ý thức mỗi cá nhân, và sự đùn đẩy trách nhiệm lại khiến cho rác có cơ hội “tung hoành”.

Rác của ai?

Điểm rác dưới cây ATM 35 phố Hàng Mắm (HN) là một điểm rác nhức nhối nhiều năm nay, nằm ngay tại khu phố khách du lịch đi lại nườm nượp, nhưng chưa hề được giải quyết. Ngay trong mùa du lịch năm 2017, khi khách du lịch đang đông và qua lại điểm này rất nhiều, có khách dừng lại tại cây ATM để rút tiền thì còn bị người dân lẳng rác trúng chân.

Bà Bích Hạnh, chủ cửa hàng vàng tại 33 Hàng Mắm cho hay, điểm rác phát sinh ở số 35 Hàng Mắm cần có giải pháp thật mạnh để xóa bỏ. Tại điểm rác tự phát này, hàng ngày người ở các quán ăn xung quanh đó tranh thủ ra đổ rác ngay xuống lòng đường, càng về chiều rác càng ùn lên và bốc mùi nồng nặc. Đến tối thì ngập ngụa rác, và người đi đường thấy rác nằm đó, cũng tiện tay ném rác vào vì tưởng đây là điểm thu gom rác.

Người dân cũng đã báo chính quyền về điểm rác phát sinh cực xấu này, nhưng do điểm rác lại nằm trên ranh giới giữa hai phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Bạc, nên cả hai phường đều “không dám” nhận bãi rác về phường mình. Kết quả là bãi rác cứ hồn nhiên phình ra ngày một lớn. Hai phường nói trên cần phối hợp với nhau để giải quyết dứt điểm, không thể cứ mãi từ chối “rác không phải của tôi”.

Người dân ta lâu nay quan điểm, chỉ cần sạch nhà mình, mặc kệ phố bẩn, không phải việc của ta, vì thế mà cứ xả rác bừa bãi ra nơi công cộng. Nhưng cách nghĩ như vậy chỉ thể hiện trình độ dân trí thấp, sự nghèo hèn về văn hóa và nhân cách. Để thay đổi ý thức của mỗi người dân về văn hóa nơi công cộng, cần cả một quá trình kiên trì và một chương trình giáo dục có đầu tư bài bản từ nhà trường tới khu phố. Bởi khi đứa trẻ có ý thức giữ vệ sinh công cộng, nhưng lại chứng kiến cảnh bố nó khạc nhổ bừa ra hè phố, mẹ nó vứt giấy ăn dùng xong ngay trên lề đường thì việc giáo dục ý thức từ nhà trường cho đứa trẻ đó cũng chỉ vô ích mà thôi.

Về vấn đề thay đổi ý thức, hành vi nơi công cộng của dân ta có lẽ cần cứng rắn hơn chứ không chỉ tuyên truyền, giáo dục suông. Nếu như chúng ta ra luật xử phạt nặng hành vi xả rác nơi công cộng, ví dụ mức phạt lên tới cả tháng lương cho một lần vi phạm thì chắc chắn không ai dại gì mà xả rác bừa bãi nữa. Ai cũng sẽ văn minh như Tây Âu mà tạm nhét rác vào túi để về nhà bỏ rác vào thùng rác nhà mình hoặc tìm đúng nơi thu gom rác mà bỏ vào. Nhưng để ra được luật này thì lại cần thời gian cho các cơ quan lập pháp nghiên cứu… Trong khi đó, rác vẫn “tunh hoành” gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ