Ra mắt 2 bộ tiểu thuyết văn học lịch sử thuần Việt

GD&TĐ -Tối 11/03, tại TPHCM, nhà văn – nhạc sĩ Vũ Thanh tổ chức lễ giới thiệu hai bộ tiểu thuyết lịch sử Én liệng Truông Mây và Nhất thống sơn hà.

Nhà văn Vũ Thanh (thứ 4 từ phải sang) chụp hình với độc giả, bạn bè tại lễ lễ ra mắt 2 bộ tiểu thuyết
Nhà văn Vũ Thanh (thứ 4 từ phải sang) chụp hình với độc giả, bạn bè tại lễ lễ ra mắt 2 bộ tiểu thuyết

Hai bộ tiểu thuyết này là Phần I và Phần II của Trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt, bao gồm 3 bộ: Én liệng Truông Mây, Nhất thống sơn hà  và Gia Định tam hùng. Mỗi bộ sách nói trên bao gồm 4 tập. Ngoài 2 bộ sách được giới thiệu hôm nay. Bộ Gia Định tam hùng hiện vẫn đang được tác giả xây dựng và hoàn thiện.

Bộ tiểu thuyết Én liệng Truông Mây được giới thiệu là bộ sách được NXB Hội Nhà văn tái bản lần thứ nhất, có hiệu chỉnh của tác giả. Trước đó, bộ sách này đã được NXB Trẻ cấp phép, in ấn và phát hành lần đầu năm 2014.

Nội dung chính của bộ sách (gồm 4 tập: Truyền quốc Ô Long đao; Trấn Biên Thành dậy sóng; Những mảnh tình trắc trở; Cờ nghĩa rợp Truông Mây) viết về cuộc khởi nghĩa của chàng Lía và các nghĩa sĩ Truông Mây (tại huyện Hoài Ân - Bình Định) giai đoạn giữa thế kỷ XVIII. Bộ sách được nhà văn Vũ Thanh sáng tác dựa trên việc tham khảo nhiều tài liệu lịch sử và các dữ liệu điền dã văn học, địa lý – văn hóa trong suốt hàng chục năm.

Qua bộ tiểu thuyết, Nhà văn Vũ Thanh xây dựng lại bối cảnh lịch sử đất nước Việt Nam giai đoạn giữa thế kỷ XVIII với sự chia cắt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Từ việc lắp nối các dữ liệu lịch sử, tác giả phục dựng nhiều chi tiết lịch sử có thể cho là hợp tình, hợp lý và chưa được chính sử ghi nhận hoặc có ghi nhận nhưng chưa đầy đủ về giai đoạn tiền khởi nghĩa của Nhà Tây Sơn.

Nhà văn Vũ Thanh ký tặng cho độc giả tại lễ ra mắt 2 bộ tiểu thuyết
 Nhà văn Vũ Thanh ký tặng cho độc giả tại lễ ra mắt 2 bộ tiểu thuyết

Thông qua bộ Én liệng Truông Mây, tác giả Vũ Thanh xây dựng thành công hình tượng người hiệp sĩ Việt với “khí tiết quân tử, đức độ trung dung của Nho giáo; tính ung dung tiêu sái của Lão giáo; tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt nho nguyên thủy”. Tác giả cũng xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ Việt với những đức tính “nhu thuận, thuần lương, thủy chung, son sắc…”.  

Đọc bộ sách, người đọc cũng sẽ được giới thiệu hầu hết những cảnh sắc, văn hóa đặc sắc ở mọi miền đất nước. Ngoài ra, đây cũng là pho sách giới thiệu khá kỹ lưỡng về tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam mà người đọc có thể chiêm ngưỡng thông qua những màn giao đấu kịch tính giữa hiệp sĩ Việt với các võ sĩ của Xiêm La và Trung Quốc.

Với bộ tiểu thuyết Nhất thống sơn hà được giới thiệu hôm nay là bộ sách được NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản lần đầu tiên tại trong nước.

Nội dung chính của Bộ Nhất thống sơn hà (gồm 4 tập: Áo vải cờ đào; Rạch Gầm – Xoài Mút; Hào kiệt – Giai nhân; Mùa xuân hùng võ) nối tiếp theo bộ Én liệng Truông Mây, tác giả đã xây dựng bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành và phát triển của lực lượng khởi nghĩa Tây Sơn sau thất bại tại Truông Mây từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX.

Qua tiểu thuyết Nhất thống sơn hà, nhà văn Vũ Thanh cho độc giả một lượng thông tin đồ sộ và khả tín về một giai đoạn lịch sử hết sức mù mờ, thiếu sót mà chính sử ghi lại chưa đầy đủ. Bộ sách đã vẽ lại một cách khá chính xác quá trình hình thành triều đại Tây Sơn – một triều đại hào hùng nhưng vắn số của dân tộc Việt.

Qua ngòi bút tác giả, hình tượng Nguyễn Huệ  (lúc trẻ) và vua Quang Trung (sau này) được khắc họa với đầy đủ tính chất của một con người có “trí như thủy, nhân như sơn” – một vị vua đã tạo nên những trang sử Việt hào hùng, là niềm tự hào của dân tộc.

Bộ sách Nhất thống sơn hà được tác giả Vũ Thanh sử dụng chất liệu lịch sử ghi nhận từ hơn 30 tài liệu cả trong và ngoài nước. Nhiều tài liệu do chính tác giả công phu tìm kiếm và dẫn giải sau đó đưa vào tác phẩm. Từ đó cung cấp cho bạn đọc cái nhìn chính xác, công bằng hơn về nhiều chi tiết lịch sử của triều đại Tây Sơn như: cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ - Ngọc Hân, những trận chiến vang dội như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, trận Ngọc Hồi – Đống Đa. 

Bộ tiểu thuyết Nhất thống sơn hà
 Bộ tiểu thuyết Nhất thống sơn hà

Bằng những suy luận logic, tác giả cũng đã lý giải hợp lý những điều mà nhiều sử gia triều Nguyễn đã ghi nhận không chính xác về cuộc tàn sát lẫn nhau giữa anh em Nhà Tây Sơn. Thông qua đó, bộ sách đưa ra cái nhìn công bằng, khách quan hơn đối với triều đại Tây Sơn và vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng như các tướng lĩnh dưới vương triều này.

Nhận xét về khía cạnh sử dụng chất liệu lịch sử trong các bộ tiểu thuyết của Vũ Thanh, Thạc sĩ Hán Nôm Dương Đức Hiếu chia sẻ: “Đối với những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, điều đáng lưu tâm nhất vẫn là xử lý tư liệu. Tư liệu lịch sử ở nước ta không phải hiếm, nhưng cũng không phải là nhiều. Chính vì vậy, có thể nói Én Liệng Truông Mây đã ghi nhận sự tỉ mỉ mà cũng đầy linh hoạt của tác giả trong việc xử lý tư liệu lịch sử. Một nhân vật tưởng như trong truyền thuyết, đã được khắc họa chân thật trong một bộ sách dày dặn, nhiều tìm tòi suy tư”. (…)

“Bộ tiểu thuyết Nhất thống sơn hà đã đưa nhân vật lịch sử có thật thành nhân vật tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm đã đưa đến cho độc giả những nhân vật lịch sử, nhưng là những nhân vật có tính cách, có sự yêu thương, ân cần, thủ đoạn - đầy những tính cách “người” ngồn ngộn trong những “thước phim” hoành tráng của tình anh em, thầy trò, vua tôi… và trên hết là tình yêu nước được thử thách qua những tháng năm lịch sử có thật, đầy khốc liệt của dân tộc Việt Nam”.

Bình luận về bộ tiểu thuyết Én liệng Truông Mây,  nhà phê bình văn học Nguyên Lương nhận xét: “Ở Én liệng Truông Mây chúng ta còn tìm thấy những tấm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, thượng võ của người hiệp sĩ Việt trong việc phát huy nền võ thuật cổ truyền. Đồng thời, lẩn khuất đâu đó là những chuyện tình éo le thời loạn lạc, đẹp nhẹ nhàng nhưng rất mực mặn mà, thủy chung, son sắt.

Từ cách xây dựng hình tượng người hiệp sĩ Việt ta có thể nhận ra cuộc khởi nghĩa Truông Mây không chỉ là cuộc đấu tranh của những người cùng khổ chống lại ách bạo quyền và bóc lột, thực thi câu tuyên ngôn “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” mà nó còn là cuộc đấu tranh giữa lòng nhân đạo của những người hiệp sĩ chống lại dục vọng đời thường của những kẻ xấu xa, chỉ vì ham mê danh lợi, tiền tài và mỹ sắc đã đang tâm phản bạn đưa đến việc thành Truông Mây sụp đổ chôn vùi hàng ngàn nghĩa sĩ”.

Không chỉ là một nhà văn, Vũ Thanh còn được biết đến như một nhạc sĩ, với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Đắp mộ cuộc tình, Quy Nhơn đôi mắt người xưa, Phượng Vĩ, Mùa xuân của chị, Xuân tha hương, Phải chi em lấy chồng xa…

Hai bộ tiểu thuyết Én liệng Truông Mây và Nhất thống sơn hà đều được Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép. Các đơn vị phát hành sách như Fahasha, Thăng Long,… liên kết phát hành trên phạm vi toàn quốc. Sách bắt đầu có mặt tại hệ thống các nhà sách và các đơn vị liên kết của các đơn vị này từ ngày 1/3/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.