(GD&TĐ) - Theo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, trong năm 2012, cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 376 vụ án tham nhũng với 908 bị can, tăng 18,71% số vụ và tăng 22,03% số bị can so với năm 2011. Số tài sản do các vụ tham nhũng trên gây thiệt hại 6.122 tỷ đồng, đã thu hồi: 383 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/internet |
Các địa phương khởi tố được nhiều án tham nhũng là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Đắc Nông, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên.
Các địa phương không khởi tố được vụ án tham nhũng nào là: Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tây Ninh, Khánh Hòa.
Riêng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng đã thụ lý điều tra tổng số 23 vụ với128 bị can, tăng 160 % số vụ và tăng 161% số bị can so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các vụ án do Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng khởi tố, chỉ có 01 vụ do Thanh tra Chính phủ chuyển đến (Công ty cổ phần COMA 3), còn lại đều do Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng phát hiện, khởi tố điều tra. Trong số các bị can do Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng khởi tố có 41 bị can giữ chức vụ từ Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước.
Trong năm 2012, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, công tác điều tra khám phá án tham nhũng đã có những thuận lợi và chuyển biến tích cực, đã phát hiện được nhiều vụ án tham nhũng lớn, có hàng trăm cán bộ, đảng viên bị khởi tố, bắt tạm giam về tội tham nhũng, quần chúng nhân dân đã mạnh dạn tố cáo vụ việc tham nhũng nhiều hơn, ít sự can thiệp hơn.
Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên nhưng nhìn chung công tác điều tra khám phá tội phạm tham nhũng còn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Tội phạm tham nhũng vẫn xảy ra nhiều trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, đất đai và tài sản công, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản quốc gia, vụ sau lớn hơn vụ trước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Các vụ việc tham nhũng được khởi tố điều tra còn ít, chưa tương xứng với tình hình thực tế. Các vụ tham nhũng bị phát hiện chủ yếu từ công tác xác minh đơn thư tố giác của quần chúng, từ các phương tiện thông tin đại chúng. Tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng còn chậm, kéo dài, gây bức xúc, gây nghi ngờ trong dư luận. Các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp thường kéo dài đã làm giảm sự răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hiệu quả chưa cao do, sau khi chiếm đoạt được tài sản các đối tượng đã xây dựng trụ sở, mua sắm xe hơi đắt tiền, biệt thự sang trọng, đầu tư chuyển tiền ra nước ngoài, mua bất động sản, chứng khoán, cá độ bóng đá, ăn chơi hết nên không có tiền để khắc phục hậu quả.
Theo các chuyên gia về phòng chống tội phạm thì do suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, năm qua đã có gần 20.000 doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong khi đó hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính, ngân hàng còn quá sơ hở, chồng chéo nhất là các quy định về thành lập doanh nghiệp, cho vay, thế chấp, cầm cố tài sản, đầu tư tài sản cho thuê, đảo nợ, repo chứng khoán... Khi nền kinh tế phát triển quá nóng, sức ép lo lương cho công nhân, lên hạng doanh nghiệp, bệnh thành tích, cạnh tranh không lành mạnh đã làm cho nhiều doanh nghiệp bỏ qua các quy định về quản lý kinh tế, xé rào, vi phạm pháp luật...
Lợi dụng kẽ hở này các đối tượng ngoài xã hội câu kết với các đối tượng thoái hóa, biến chất trong các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Sự hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng như sự phối hợp trao đổi thông tin với Cơ quan điều tra còn chưa chặt chẽ và bị vô hiệu hóa do cơ chế kiểm soát không có tính độc lập mà đặt dưới quyền chỉ đạo, kiểm soát của chính chủ doanh nghiệp, do chủ doanh nghiệp trả lương. Vì vậy, không phát hiện được hành vi tham nhũng kịp thời.
Dự báo trong năm 2013, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nghị quyết trung ương 4 đi vào cuộc sống cùng sự quyết tâm của Đảng, hệ thống chính trị và người dân là cơ sở vững chắc để vững tin vào công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn sẽ có nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và những biện pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nữa.
Linh Hằng