Ngày 5/9 vừa qua, trường hợp bà mẹ Ấn Độ 74 tuổi vẫn sinh đôi hai bé gái đã gây bất ngờ cho nhiều người. Bà Erramatti Mangayamma cũng đã trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất thế giới sinh con thành công, tạo thêm động lực cho những cặp đôi đã lớn tuổi nhưng vẫn mong muốn sinh con khác.
Tuy nhiên, nếu biết được cuộc sống sau khi sinh con thành công của những người mẹ đã "gần đất xa trời" dưới đây, nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại.
Như bà Erramatti Mangayamma đến nay vẫn phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt sau khi sinh con. Các chuyên gia y tế cho hay mang thai khi tuổi đã cao có thể gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe như cao huyết áp và tiền sản giật.
Hai cô con gái của bà cũng phải được hỗ trợ y tế và đang giao lại cho người thân chăm sóc. Đồng thời, ngay sau khi biết tin vợ sinh con, người chồng 78 tuổi của bà cũng phải nhập viện và được đưa thẳng vào khoa cấp cứu tại bệnh viện phía Nam bang Andhra Pradesh bởi trụy tim.
Bà Erramatti vẫn đang phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt sau ca sinh.
Một trường hợp sinh con ở tuổi ngài 70 khác là bà Daljinder Kaur, sinh con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cách đây 3 năm. Sau khi đứa con chào đời, bà mắc chứng huyết áp cao, suy thoái khớp.
"Huyết áp của tôi thất thường và cơ thể hay mệt mỏi. Giờ tôi vừa lo giữ sức khỏe của mình vừa phải lo chăm con", bà Daljinder tâm sự sau 3 tháng kể từ ngày sinh.
Con trai bà cũng không được bú mẹ từ hồi 3 tháng tuổi vì bà không có sữa. Gia đình không có điều kiện sử dụng sữa ngoài nên cậu bé hiện bị suy dinh dưỡng nặng.
Bà Daljinder cho biết sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng sau sinh còn con trai thì suy dinh dưỡng nặng.
Năm 2008, bà Omkari Panwar (70 tuổi), cũng sống tại Ấn Độ đã gây chú ý lớn khi sinh thành công cặp song sinh Akashvani và Barsaat ở tuổi "gần đất xa trời". Tuy vậy, bé gái Barsaat đã qua đời khi được 4 tháng tuổi do suy dinh dưỡng cũng như cơ thể yếu ớt. Ba năm sau, bà Omkari cũng qua đời vì sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng sau ca sinh đẻ.
Vào năm 2006, cụ bà người Tây Ban Nha, Maria del Carmen Bousada de Lara sinh con ở tuổi 66. Bà Bousada de Lara sinh đôi hai cậu con trai là Christian và Pau nhờ mổ đẻ. Hành động sinh con ở tuổi muộn màng từng khiến Lara bị chỉ trích là ích kỷ, sai lầm và phi tự nhiên.
Thực chất, nà Bousada đã gian dối về tuổi của mình để được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại một phòng khám tư ở California, Mỹ. Bác sĩ Vicken Sahakian, giám đốc trung tâm, cho hay bà Bousada đã làm giả giấy khai sinh tại Tây Ban Nha.
Theo vị bác sĩ này, ông đã cấy vào cơ thể bà Bousada trứng của một phụ nữ trẻ và tinh trùng hiến tặng, sử dụng phương pháp điều trị hoóc môn để "làm trẻ lại" tử cung sau khi bà đã mãn kinh 18 năm. Việc điều trị hoóc môn kéo dài 3 tuần và bác sĩ Sahakian nghĩ rằng việc làm này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
"Tôi từng nghĩ rằng sẽ có chuyện xảy ra và trở thành một thảm họa cho những đứa trẻ. Không may là những tiên đoán của tôi đã đúng", bác sĩ Vicken Sahakian cho hay.
Ba năm sau khi sinh con, bà Bousada mất vì ung thư, để lại hai đứa con cho anh trai nuôi dưỡng.
Người phụ nữ mắc bệnh ung thư sau khi sinh con ở tuổi 66.
Hầu hết các bác sĩ và chuyên gia sản khoa đều nhận định phụ nữ ngoài 50 tuổi đã không còn phù hợp với việc sinh nở và không khuyến khích những phụ nữ đã qua độ tuổi sinh nở vẫn quyết mang bầu.
Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt trên 40 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
Những nguy cơ cho thai phụ
Nguy cơ cho người mẹ là sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo.
Gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỉ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỉ lệ sảy thai cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm.
Người mẹ bị tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu
Quá trình mang thai cũng dễ khiến các bệnh mãn tính đã mắc phải trước đó (nếu có) trở nên tăng nặng.
Nguy cơ cho thai nhi
Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định.
Đối với việc thụ thai thông thường, nguy cơ bé sinh ra chậm phát triển trí tuệ và vận động cao (do mẹ càng lớn tuổi, các nhiễm sắc thể trong trứng dễ bị dính vào nhau, gây các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards…).