Quyền quyết định vẫn thuộc địa phương!

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, ngày tựu trường được quy định sớm nhất vào 1/9/2021; riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ 23/8/2021; kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

Đây là điểm mới trong khung kế hoạch thời gian năm học năm nay của Bộ GD&ĐT, thể hiện tầm quan trọng của “tuần 0” đối với lớp 1. Nhìn tổng thể cho thấy, khung kế hoạch năm học mới có tính “mở”, đảm bảo độ mềm dẻo, linh hoạt để các địa phương triển khai thực hiện.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà năm học nào các tỉnh, thành phố cũng chờ Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học để xây dựng khung kế hoạch năm học cho địa phương mình. Hiểu một cách đơn giản, đây chính cơ sở pháp lý, là “kim chỉ nam” để các địa phương, nhà trường triển khai thực hiện kế hoạch năm học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Nói cách khác, từ khung kế hoạch thời gian năm học này, các địa phương sẽ cụ thể hóa về thời gian, các hoạt động giáo dục, đảm bảo phù hợp với tình hình và đặc trưng vùng miền. Điều quan trọng là khung đó không cứng nhắc, bó buộc mà phải linh hoạt, mềm dẻo.

Nói như PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là việc làm cần thiết để các địa phương có định hướng xây dựng và triển khai kế hoạch năm học mới. Làm giáo dục cần có kế hoạch khoa học, rõ ràng nên càng không thể tự phát và tùy tiện. Nếu không kịp thời ban hành kế hoạch thời gian năm học, rất có thể các địa phương sẽ hoang mang, lúng túng; thậm chí có thể dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Thực tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều xây dựng khung năm học để triển khai áp dụng trên toàn quốc. Lẽ tất nhiên, khung đó không cứng nhắc, mà linh hoạt, phù hợp với các vùng miền ở mỗi quốc gia. Mỗi nước có cách làm và cách triển khai khác nhau. Đó chẳng qua là sự chuyển hóa từ hình thức này sang hình thức khác, hoặc từ phương thức này sang phương thức kia. Nhưng suy cho cho cùng, bản chất vẫn là “khung”, để “chỉ đường dẫn lối” cho toàn hệ thống giáo dục khi bước vào năm học mới.

Khi khung kế hoạch được ban hành, một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT để học sinh đi học như những năm trước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp là chưa phù hợp thực tế và không khả thi. Đúng là Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho ngành Giáo dục. Thế nhưng, bất luận trong hoàn cảnh nào, toàn ngành vẫn xác định mục tiêu kép và thực hiện phương châm: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Ai cũng hiểu, việc chuẩn bị năm học mới là nhiệm vụ thường niên, không phải đột xuất, bất ngờ như đại dịch Covid-19. Ngay cả việc triển khai thực hiện, Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cũng đã được chuẩn bị từ lâu và đã có lộ trình rõ ràng. Vì thế, nếu nói kế hoạch này không khả thi, chưa phù hợp thực tế là có phần chủ quan, thậm chí thiếu tinh thần trách nhiệm.

Hơn nữa, khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ quy định các mốc thời gian “sớm nhất”, hoặc “muộn nhất”. Điều này, là hợp tình, hợp lý và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Trong những tình huống cụ thể, tùy theo thực tiễn khách quan, quyền quyết định vẫn thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Thực tế, việc này đã được triển khai, áp dụng trong năm học 2019 – 2020 và 2020 - 2021 – khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...