Quyền lợi người mua nhà từ dự án của ông Lê Thanh Thản sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng.

'Đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản bị truy tố với khung hình phạt là phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
'Đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản bị truy tố với khung hình phạt là phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án CT6 (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng.

Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh lừa dối khách hàng

Bị can Lê Thanh Thản là Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh và cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes (Công ty Bemes - chủ đầu tư dự án CT6 Kiến Hưng).

Trong vụ án này, bị can Lê Thanh Thản bị truy tố với khung hình phạt là phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm do có hành vi thu lợi bất chính số tiền từ 50 triệu đồng trở lên.

Liên quan đến vụ án này, ngoài ông Thản, có 6 cựu cán bộ cũng bị truy tố về tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nổi bật trong số này có bị can Nguyễn Duy Uyển (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); bị can Vương Đăng Quân (cựu Phó Chánh thanh tra Xây dựng quận Hà Đông); bị can Mai Quang Bài (cựu cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông)…

Theo cáo trạng, dự án CT6 Kiến Hưng được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/500. Công ty Bemes sau đó được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng bị can Lê Thanh Thản đã chỉ đạo thi công vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng.

Cụ thể, ông Thản bị cáo buộc đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với khối nhà cao tầng, ông Thản đã chỉ đạo tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng.

Ngoài ra, Công ty Bemes còn xây dựng tăng căn hộ và xây thêm một tòa chung cư CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt. Với nhà thấp tầng, Công ty Bemes đã tăng diện tích đất được xây dựng và số căn thấp tầng, vi phạm chỉ giới đường đỏ.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2011, ông Lê Thanh Thản đã chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật. Công ty Bemes quảng cáo, dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...

Bằng việc trên, khách hàng đã tin tưởng và ký hợp đồng mua bán nhà với Công ty Bemes. Tại hợp đồng mua bán căn hộ, ông Lê Thanh Thản đã trực tiếp ký với khách hàng, cam kết các điều khoản với mục đích để họ tin tưởng nộp tiền mua căn hộ theo tiến độ thi công. Việc kinh doanh, ấn định giá bán căn hộ tại dự án đều do bị can quyết định.

Viện KSND TP Hà Nội xác định, bị can Lê Thanh Thản đã bán 488 căn hộ khi không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất để thu lời bất chính hơn số tiền 480 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, đa số các bị hại đều đề nghị được hỗ trợ cấp “sổ đỏ”; có 6 bị hại đề nghị trả lại nhà và đề nghị chủ đầu tư trả lại tiền mua nhà, tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.

Quyền lợi người mua nhà có được bảo đảm?

Chung cư CT6C được xác định không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Chung cư CT6C được xác định không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Là một trong những hộ dân sinh sống tại chung cư CT6C (thuộc dự án CT6 có liên quan đến vụ án), ông Vũ Đình Thanh cho biết, thời điểm hiện tại, gia đình ông rơi vào cảnh “đi chẳng được mà ở cũng chẳng xong”.

Ông Thanh cho rằng bản thân không quan tâm đến việc “đại gia điếu cày” bị truy tố bởi tội danh gì mà chỉ mong cơ quan chức năng xem xét nhu cầu chính đáng của gia đình ông là được cầm trên tay tờ “sổ đỏ” của căn nhà mà vợ chồng ông dành dụm bao năm mới mua được.

Trong cuộc trò chuyện với GD&TĐ, ông Thanh kể, vào năm 2012, gia đình ông biết đến dự án CT6 Kiến Hưng nên đã quyết định dùng toàn bộ số tiền 700 triệu tích góp nhiều năm cộng với vay mượn người quen để mua một căn hộ diện tích hơn 70m2 tại chung cư CT6C. Tổng số tiền dùng để mua, sửa sang và hoàn thiện căn hộ lên đến ngót nghét 1,6 tỉ đồng.

Hai năm sau, từ cảm giác vui mừng, vợ chồng ông Thanh chuyển sang lo lắng khi chờ mãi mà căn hộ vẫn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Bỏ thời gian nhiều lần “gõ cửa” cơ quan công quyền, nhưng ông Thanh nhận lại “tin dữ” khi biết tòa chung cư nơi gia đình ông đang sinh sống được chủ đầu tư xây dựng trái với quy hoạch và sẽ không được làm sổ.

“Hiện giờ, gia đình tôi đang muốn bán lại căn hộ trên để chuyển vào nội thành sinh sống cùng con cháu, nhưng chẳng ai mua hoặc bị ép giá. Tôi chỉ mong sao cơ quan chức năng tạo điều kiện để chúng tôi sớm được làm giấy tờ sở hữu chính căn hộ mà mình bỏ tiền túi ra để mua”, ông Thanh cho biết.

Trước thông tin ông Lê Thanh Thản bị truy tố về tội Lừa dối khách hàng, nhiều người dân sinh sống tại dự án CT6 đã đặt câu hỏi xoay quanh việc liệu rằng quyền lợi của họ có được bảo đảm? Liên quan đến nội dung này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp lý, hợp đồng mua bán nhà ở là giao dịch dân sự và chỉ có thể được pháp luật công nhận nếu như ngôi nhà (căn hộ) đó được tạo lập hợp pháp, phù hợp với quy hoạch, đủ điều kiện tham gia giao dịch...

“Nếu tòa nhà, căn hộ được tạo lập bất hợp pháp: Không có giấy phép xây dựng, không đủ điều kiện tham gia giao dịch về nhà ở hoặc một bên bị lừa dối, bị nhầm lẫn khi tham gia giao dịch... những trường hợp này khiến cho giao dịch dân sự vô hiệu”, luật sư Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, bên mua có quyền đòi lại tiền và trả lại nhà, nếu bên bán có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng mua bán nhà ở là một trong các loại hợp đồng dân sự thông dụng được quy định trong Bộ luật Dân sự. Bởi vậy việc xác lập giao dịch, ký kết hợp đồng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở.

“Về nguyên tắc, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”, luật sư Cường cho biết.

Khi tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bên mua nhà có quyền yêu cầu đòi doanh nghiệp này phải trả lại toàn bộ số tiền đã nộp. Nếu giá trị căn hộ tăng lên so với thời điểm mua thì đây là thiệt hại của khách hàng, khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự vô hiệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.