Quỹ tín dụng sinh viên phải lớn hơn, quy mô và tầm vóc hơn

GD&TĐ - Đây là một trong 5 vấn đề mà Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm hợp tác giữa ĐHQG TPHCM và UBND TPHCM, giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Cơ chế phối hợp, triển khai vẫn chưa đậm nét

Tại Hội nghị sơ kết một năm ĐHQG TPHCM và UBND TPHCM hợp tác giai đoạn 2022-2025, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng 8 nội dung mà hai bên thỏa thuận hợp tác cần được quyết liệt thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, việc xây dựng quỹ tín dụng sinh viên nhằm giúp đỡ cho sinh viên khó khăn vay vốn học tập cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.

"Quỹ tín dụng sinh viên là một chương trình tôi luôn ủng hộ và đặc biệt quan tâm. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng chương trình này trên nền tảng đã triển khai theo quy mô lớn hơn, tầm vóc hơn.

Tất cả sinh viên về TP học có nhu cầu vay vốn để học rồi trả sau khi có việc làm, thu nhập cần phải được tiếp cận vốn. Các trường đại học sẽ là đơn vị bảo lãnh (thông qua lập quỹ có hỗ trợ lãi suất) nhằm giúp cho sinh viên thuận lợi hơn khi tiếp cận khoản vay.

Vấn đề này tôi đề nghị Sở Tài chính, Thành đoàn phối hợp với ĐHQG TPHCM sớm hoàn thiện cơ chế trong quý II để vận hành ngay, với mục tiêu hàng chục ngàn sinh viên được tiếp cận quỹ tín dụng này chứ không phải vài ngàn như hiện nay"- ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Mãi cũng tái khẳng định, lãnh đạo TP luôn coi ĐHQG TPHCM là một phần không thể tách rời trong sự phát triển của TP. Sự đóng góp của ĐHQG TPHCM cho TP không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn gián tiếp mang lại lợi ích cho chính ĐHQG trong tiến trình phát triển.

Đánh giá và nhìn nhận lại 8 nội dung hai bên thỏa thuận hợp tác, Chủ tịch UBND TP cho rằng thời gian tới, từng nội dung triển khai trong 8 nội dung hợp tác cần được cả hai bên cụ thể hóa rõ nét hơn, nhằm thực hiện và triển khai có hiệu quả hơn.

" Vấn đề chính chúng ta nhìn thấy sau một năm chính là cơ chế phối hợp. Vì vậy, chúng ta làm sao phải giải quyết vấn đề này để có thể mang lại kết quả tốt nhất. Nếu chúng ta giải quyết được điểm "tắc" trên thì sự phát triển và đóng góp của ĐHQG TPHCM cho TP chắc chắn sẽ là rất lớn.

Trong mối quan hệ giữa UBND TP với ĐHQG, với các đơn vị thành viên, chúng ta cần phải đặt trong bối cảnh 3 bên để cùng hợp tác triển khai trên nền cơ chế. Bởi trong thời gian qua, sự phối hợp và chủ động từ phía các sở, ngành của TP với ĐHQG TPHCM rõ ràng là chưa đầy đủ, sâu sát…

Vì vậy, trong thời gian tới cả hai cùng phải xây dựng lộ trình để xem xét kết quả, tiến độ, kiểm điểm tiến độ triển khai, phân vai rõ ràng cho từng bộ phận, sở ngành trong quá trình triển khai hợp tác"- Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu.

Đồng tình quan điểm và đánh giá của Chủ tịch UBND TP, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng: Cơ chế chính sách do con người đặt ra, vì vậy nếu các phía có chung về nhận thức, ý chí và mục tiêu thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

PGS.TS Vũ Hải Quân khẳng định, mọi sự hợp tác với UBND TP luôn được tập thể lãnh đạo, đội ngũ nhà khoa học, giảng viên của đơn vị xem là trách nhiệm và nghĩa vụ của ĐHQG TPHCM đối với TP.

“Nếu chỉ cần nhân lực kinh tế gia công chúng ta dễ dàng có thể có đủ nguồn nhân lực. Nhưng nếu chúng ta muốn nâng tầm lên một mức cao hơn như nhân lực kinh tế số chẳng hạn, chúng ta liệu có ngay không nếu không triển khai công tác đào tạo, xây dựng hệ sinh thái đủ tốt? Đây là trách nhiệm mà ĐHQG TPHCM luôn tự ý thức đặt ra để cùng với TP phát triển nguồn nhân lực chất lượng.

Vì vậy, tôi cho rằng ngay trong năm 2023 này chúng ta nghiên cứu phát triển chương trình về trí tuệ nhân tạo và vi mạch. Phải hình thành được chương trình trọng điểm quốc gia về công nghệ vi mạch để phát triển và xây dựng nguồn nhân lực đón đầu”- PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

Một đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.

Một đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.

Cần sự chủ động và linh hoạt nhiều hơn

Đồng tình với PGS.TS Vũ Hải Quân về việc cần phải bổ sung thêm một chương trình trọng điểm (như chương trình trọng điểm quốc gia về công nghệ vi mạch) với sự tham dự của Bộ KH&CN, UBND TP và ĐHQG, Chủ tịch UBND TP tin tưởng những dự án trọng điểm kiểu trên sẽ tạo nền tảng để tiến tới những mục tiêu mà hai bên đã thỏa thuận.

Trong 8 nội dung hợp tác mà hai bên ký kết, lãnh đạo các sở, ngành và ĐHQG TPHCM đặc biệt quan tâm đến thỏa thuận đào tạo nhân lực lãnh đạo quản lý (công chức, viên chức- chương trình 1), đào tạo nhân lực phát triển cho kinh tế xã hội (chương trình 2). Hiện mọi thứ vẫn chung chung, chưa rạch ròi, công tác đặt hàng giữa các bên cũng chưa thể hiện bằng các con số cụ thể, cũng như mục tiêu hướng đến của chương trình khi đào tạo chỉ 1-2 lớp/năm là quá ít so với nhu cầu.

"Đây rõ ràng là vấn đề các sở, ngành cần nghiêm túc xem lại. Mục tiêu chúng ta cần đào tạo là hàng ngàn cán bộ e rằng còn chưa đủ cho mục tiêu chuẩn hóa cán bộ, chứ đừng nói đặt ngưỡng đào tạo mỗi năm 1-2 lớp.

Với công tác cán bộ, tôi từng đề xuất với cán bộ từ cấp phường, đến quận, sở cần phải có chương trình nghỉ phép bắt buộc từ 1-2 tuần để vừa học tập, bổ sung kiến thức mới, đồng thời để thư giãn, giải tỏa áp lực. Vì mục tiêu đào tạo, bổ sung trình độ cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của TP và đất nước" - ông Phan Văn Mãi nói.

Về cơ chế đặt hàng và tham gia các nhiệm vụ KHCN, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị sở KHCN nghiên cứu cơ chế tiếp cận với Nghị quyết 54. Bởi theo nghị quyết trên, TP được quyền sử dụng ngân sách của mình để đầu tư dự án khoa học vùng, liên vùng… Trên cơ sở bám sát tinh thần nghị quyết, chúng ta nghiên cứu cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học với ĐHQG TPHCM để tháo gỡ "điểm nghẽn" hiện nay.

8 nội dung hợp tác giữa UBND TPHCM với ĐHQG TPHCM giai đoạn 2022-2025:

1. Xây dựng chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên.

2. Xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của TP.HCM.

3. ĐHQG TPHCM tham gia các chương trình KHCN trọng điểm của TPHCM.

4. Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM theo Nghị quyết số 31-NQ/TW.

5. Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp của sinh viên, học sinh TPHCM.

6. Hỗ trợ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thuộc Khu đô thị ĐHQG TPHCM trên địa bàn Thành phố Thủ Đức.

7. Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất của Ký túc xá ĐHQG TPHCM đã được trưng dụng làm điểm cách ly trong giai đoạn bùng phát Covid-19.

8. Đề án Quản lý và sử dụng tài sản công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ