Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trong giờ thực hành tại phòng lab. |
Mô hình CĐCĐ được Chính phủ cho phép thí điểm và Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập từ năm 2006, được xem là mô hình mới mẻ ở Việt Nam. Đến nay có 16 trường CĐCĐ được thành lập. Sau 10 năm, quy mô tuyển sinh trên cả nước đã tăng 203%. Tổng số lượng tuyển sinh đại học liên kết đã tăng hơn 700%. Năm 2001-2002, tổng số sinh viên học tại các trường CĐ cộng đồng là 4373 người thì đến năm 2008-2009, con số này lên tới 13.265 người.
Với chức năng là đơn vị đa ngành, đa cấp học, đa số trường đã có các ngành nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu đa dạng của địa phương; có tổng số gần 200 ngành ở tất cả các bậc học từ dạy nghề đến cao đẳng và liên kết đại học. Cụ thể, có 8 ngành bậc đào tạo nghề; 61 ngành bậc trung cấp; hơn 100 ngành bậc cao đẳng và xấp xỉ 50 ngành bậc ĐH liên kết.
Một số trường có tỉ lệ SV, HS tốt nghiệp có việc làm rất cao như trường CĐCĐ Đồng Tháp 90%, CĐCĐ Hậu Giang 89%, CĐCĐ Hà Nội 85%...
Hiện nay, các trường CĐCĐ đã và đang thực hiện các khóa liên thông từ nghề lên CĐ, trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH cho SV theo học các ngành học đa dạng khác nhau. Với các ngành học được đào tạo liên thông lên ĐH, hầu hết các trường CĐCĐ liên kết đào tạo với các trường ĐH thực hiện liên thông hoàn chỉnh kiến thức.
Theo ông Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hiệp hội CĐCĐ Việt Nam, mô hình CĐCĐ là một trong những mô hình phổ biến trong hệ thống giáo dục sau trung học ở các nước Bắc Mỹ. Tổng chi phí học tập tại các trường CĐCĐ thường thấp hơn rất nhiều so với chi phí học tập tại các trường ĐH. Bên cạnh đó, các trường này thường "tuyển sinh mở" tức là đặt ra các yêu cầu tuyển sinh phù hợp với từng chương trình và tạo cơ hội tối đa để mọi người đều có thể ghi danh vào học bất kể trình độ học vấn và năng lực học tập cá nhân…
Tuy nhiên, hiện mô hình cao đẳng cộng đồng cũng đang gặp những khó khăn vì chịu sự trói buộc của một số cơ chế chính sách hiện hành, chỉ tiêu tuyển sinh từ bậc CĐ trở lên đôi khi không phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc thông qua mã ngành từ cơ quan quản lý và chức năng phía trên đôi khi còn chậm, gây mất cơ hội đáp ứng nhu cầu đào tạo. Bên cạnh đó, việc thiếu khung chương trình riêng cho khối CĐCĐ và chưa được quyền chủ động trong liên thông… cũng là những khó khăn của các trường CĐCĐ hiện nay.
Hiếu Nguyễn