Quy hoạch nhân lực phải là một cấu phần trong quy hoạch kinh tế

Quy hoạch nhân lực phải là một cấu phần trong quy hoạch kinh tế
Phó Thủ tướng
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần chủ động mở rộng hoạt động dự báo cả cung và cầu nhân lực ở nhiều trình độ khác nhau. Quy hoạch nhân lực phải là một cấu phần quan trọng trong quy hoạch kinh tế.

Đây là căn cứ quan trọng để triển khai lập Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương.

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong quy hoạch nhân lực. Một ví dụ điển hình là Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự kiến, đến năm 2015, các doanh nghiệp tại Khu kinh tế cần 35.000 lao động, song rất khó tuyển đủ chỉ tiêu. Mới đây, một doanh nghiệp cần tuyển 200 kỹ sư nhưng chỉ nhận được 30 hồ sơ ứng tuyển.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Dương Đức Lân, kết quả thống kê của các tỉnh, thành phố cho thấy sự thiếu hụt lao động phổ biến trong các nhóm nghề: nghiên cứu thị trường, tiếp thị, nhóm kỹ thuật điện – công nghiệp chế biến, nhóm dịch vụ và phục vụ.

Ngoài ra, lao động kỹ thuật trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, thợ lắp đặt và vận hành máy móc thiết bị cũng đang thiếu trầm trọng.

Để bước đầu giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp cần xác định rõ mức thu nhập hợp lý, đồng thời địa phương dành quỹ đất bố trí nhà ở cho lao động. Đây là 2 vấn đề mấu chốt giúp người lao động yên tâm làm việc, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm.

rege
Quy hoạch nhân lực phải xác định là một cấu phần quan trọng trong quy hoạch kinh tế

“Quy hoạch nhân lực phải được xác định là một cấu phần quan trọng trong quy hoạch kinh tế. Không thể để nhân lực trở thành khâu “tắc nghẽn” trong phát triển kinh tế” – Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Hiện, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có trung tâm dự báo nguồn nhân lực và hoạt động khá hiệu quá. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác chưa triển khai được mô hình này, dẫn đến sự “lệch pha” về cung - cầu lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, ngoài dự báo về lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật, cần chú trọng cả đến nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học và trên đại học.

Bên cạnh đó, cần tính đến tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và ảnh hưởng của nó tới nhu cầu nhân lực để có dự báo chính xác.

Còn Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Hải Vân lại lưu ý, từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ chú trọng dự báo cung lao động, trong khi việc dự báo cầu lao động hầu như chưa có. Điều này khiến nhiều cơ sở đào tạo lúng túng, không biết dạy nghề gì cho phù hợp.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai thành lập các trung tâm dự báo, nếu không thực hiện được ở từng địa phương thì bố trí theo vùng, đồng thời cần chủ động hơn trong công tác này.

Để công tác dự báo chính xác và hiệu quả, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần xác định một số lĩnh vực trọng tâm như dự kiến năng lực đào tạo và nhu cầu lao động của từng địa phương, xác định chi phí đào tạo ở cấp địa phương và quốc gia, chính sách sử dụng lao động hợp lý với các chế độ tiền lương, nhà ở, thu hút nhân tài.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn chi tiết, giúp các Bộ, ngành, địa phương triển khai lập quy hoạch nguồn nhân lực, chậm nhất là 31/8.

Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực của Bộ, ngành, địa phương sẽ làm việc với 3 bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường vào ngày 7/9, và làm việc với 3 tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hậu Giang vào ngày 8/9 để thống nhất triển khai việc lập quy hoạch ở các ngành và địa phương làm điểm này.

Chậm nhất hết tháng 11/2010, phải làm rõ quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, tổng hợp đánh giá để có thể trình Chính phủ về Đề án quy hoạch nhân lực trong tháng 12/2010.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ