Quy hoạch Nha Trang đến năm 2040: Thành phố 100 năm cất cánh

GD&TĐ - UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Một góc TP Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: NTTU
Một góc TP Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: NTTU

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 được kỳ vọng giúp thành phố này trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa và trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024), UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040.

Theo đó, quy mô lập quy hoạch TP Nha Trang có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha. Thời hạn lập quy hoạch đến năm 2040. Mục tiêu của quy hoạch là phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế; thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, không gian đảo và không gian sinh thái.

Đồng thời, quy hoạch cụ thể hóa mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: TP Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

TP Nha Trang sẽ là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa; là trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 của TP Nha Trang vào khoảng 630.000 - 640.000 người; đến năm 2040: khoảng 750.000 - 780.000 người. Mô hình, cơ cấu đô thị của thành phố được tổ chức đô thị đa trung tâm, trọng tâm là dải đô thị ven biển và các trung tâm gắn với các khu vực cảnh quan, các trục chính đô thị, các hệ sinh thái đặc thù.

Hướng phát triển đô thị: Phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông hướng ra biển ở khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo. Định hướng phát triển các phân vùng đô thị của thành phố, gồm 14 khu vực, với các định hướng quy hoạch chính về quy mô, diện tích, dân số, tính chất, chức năng.

TP Nha Trang được định hướng trở thành thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế. Trong ảnh là khách du lịch vui chơi ở Bãi Tranh (đảo Trí Nguyên, Nha Trang). Ảnh: Xuân Thành

TP Nha Trang được định hướng trở thành thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế. Trong ảnh là khách du lịch vui chơi ở Bãi Tranh (đảo Trí Nguyên, Nha Trang). Ảnh: Xuân Thành

14 phân khu, phát triển đa ngành

Về định hướng phát triển, TP Nha Trang gồm 14 khu vực. Khu 1 sẽ là trung tâm ven biển và phía Nam sông Cái, diện tích khoảng 676ha, dân số dự kiến khoảng 140.000 người; là trung tâm du lịch cả nước; trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại cấp tỉnh và thành phố.

Khu 2 là khu vực sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận, diện tích khoảng 263ha, dân số dự kiến khoảng 23.200 người; là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại - tài chính vùng Nam Trung Bộ.

Khu 3 thuộc phường Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, diện tích khoảng 640ha, dân số dự kiến khoảng 60.500 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung Bộ.

Khu 4 phía Tây đường Lê Hồng Phong, diện tích khoảng 501ha, dân số dự kiến khoảng 70.000 người; là khu đô thị mới đan xen khu dân cư hiện trạng cải tạo chỉnh trang.

Khu 5 là khu đô thị ven biển, phía Đông đường sắt - từ Bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà, diện tích khoảng 1.212ha, dân số dự kiến khoảng 108.800 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.

Khu 6 từ phía Nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía Bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn), diện tích khoảng 1.631ha, dân số dự kiến khoảng 16.100 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.

Khu 7 là khu vực đô thị phía Bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê, diện tích khoảng 1.316ha, dân số dự kiến khoảng 47.600 người; là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ nước khoáng nóng.

Khu 8 là khu vực đô thị phía Tây Nha Trang, diện tích khoảng 1.584ha, dân số dự kiến khoảng 109.300 người; là trung tâm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo mới.

Khu 9 là khu vực phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía Tây sông Tắc, diện tích khoảng 1.966ha, dân số dự kiến khoảng 82.300 người; là khu đô thị - trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Khu 10 thuộc Phước Đồng - Hòn Rớ - phía Bắc núi Cù Hin, diện tích khoảng 4.626ha, dân số dự kiến khoảng 64.100 người; là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái.

Khu 11 là khu vực Đồng Bò - Trảng É, diện tích khoảng 810ha, dân số dự kiến khoảng 11.000 người; là khu công nghiệp và dịch vụ logistic.

Khu 12 ở phía Tây Bắc Quốc lộ 1 - thuộc xã Vĩnh Phương, diện tích khoảng 2.522ha, dân số dự kiến khoảng 8.900 người; là khu vực làng xóm hiện trạng cải tạo, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Khu 13 xã Vĩnh Lương - phía Bắc núi Hòn Ngang, diện tích khoảng 3.828ha, dân số dự kiến khoảng 28.200 người; là khu dân cư hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái núi.

Khu 14 là khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc TP Nha Trang, diện tích khoảng 3.848ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng.

Theo tư liệu lịch sử, năm 1924, vua Khải Định đã ra đạo dụ lấy vùng đất hạ nguồn sông Cái lập nên thị trấn Nha Trang. Từ một làng chài còn khá hoang sơ, Nha Trang đã vươn mình trở thành một thành phố năng động, hiện đại. Hiện nay, Nha Trang có diện tích tự nhiên gần 252km2 với 27 đơn vị hành chính, dân số hơn 430.000 người, bờ biển dài khoảng 43km.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.