Tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐHSPKT TPHCM - báo cáo Bộ trưởng những thành tựu nhà trường đạt được trong 2 năm qua, như: Đổi mới trang thiết bị dạy học, phương pháp dạy học, bồi dưỡng và nâng cao chuẩn nghiệp vụ cho GV, công tác kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế cho đến đổi mới cơ chế tài chính và nghiên cứu ứng dụng khoa học trong toàn trường…
Lắng nghe báo cáo và 7 kiến nghị của PGS.TS Đỗ Văn Dũng trong việc thực hiện và triển khai công tác đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đánh giá cao và ủng hộ những nỗ lực của nhà trường. Tuy nhiên, mọi kiến nghị, đề xuất đều phải được thực hiện trên nguyên tắc đúng quy trình, quy chế và quy định của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng chia sẻ những trăn trở, phân tích về công cuộc đổi mới từ mô hình trường ĐHSPKT TP HCM với các đại biểu
Đổi mới là chủ động và sáng tạo
Chúng ta đã vượt qua được bước khởi đầu khó khăn, đã tạo ra được gia tốc, tạo được nếp quen thay đổi, cho phép chúng ta tin tưởng hiện thực sự thay đổi ấy sẽ mạnh mẽ, sâu sắc hơn, nhanh hơn, toàn diện hơn
Bộ trưởng Luận đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã làm được trong công tác đổi mới giáo dục sau 2 năm triển khai theo Nghị quyết 29, nhất là công tác kiểm định chất lượng và hợp tác quốc tế.
Theo Bộ trưởng, những việc đã làm được tuy chưa lớn, chưa phải là tất cả những gì ngành Giáo dục mong muốn và xác định, nhưng ít nhiều tạo động lực, niềm tin cho tập thể CBQL, đội ngũ GV của nhà trường.
Bộ trưởng chân tình chia sẻ: “Đổi mới bao giờ cũng có bước khởi đầu khó khăn, có những trở ngại, thậm chí là vô cùng to lớn, không phải trong bất cứ trường hợp nào người muốn thay đổi cũng có thể thực hiện được.
Các cụ ta ngày xưa vẫn nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Chúng ta đã vượt qua được bước khởi đầu khó khăn, đã tạo ra được gia tốc, tạo được nếp quen thay đổi, cho phép chúng ta tin tưởng hiện thực sự thay đổi ấy sẽ mạnh mẽ, sâu sắc hơn, nhanh hơn, toàn diện hơn - thay đổi chung của nhà trường.
Và không có con đường khác là mỗi cơ sở, mỗi đơn vị, mỗi người phải thay đổi thì mới tạo nên sự thay đổi của ngành, xã hội”.
Theo Bộ trưởng, sự đổi mới của nhà trường đã hướng tới nhu cầu của thị trường - Gắn sự thay đổi của chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo với cuộc sống, với doanh nghiệp, thị trường lao động.
Những nghiên cứu, ứng dụng mới như: Kính cho người khiếm thị, máy pha cà phê do GV trường nghiên cứu, sáng chế và tung ra thị trường cho thấy sự đổi mới rất lớn trong phong cách làm việc của nhà trường, đặc biệt là không khí làm việc, cách thức tiếp cận vấn đề của nhà trường hết sức lành mạnh, tất cả đều hướng đến cái chung.
“Chúng ta có chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhưng đáng tiếc nhiều nơi cũng nói, cũng hô hào nhưng chưa làm được. Các đồng chí đã đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Đây là thành quả không chỉ có ý nghĩa với trường ĐHSPKT TPHCM, mà còn mở ra một con đường cho 4 - 5 trường SPKT trên cả nước, sau nữa là khối các trường kỹ thuật tham khảo, nhân rộng kinh nghiệm này” - Bộ trưởng nhận định.
Dạy và học phải gắn chặt với nhau
Bộ trưởng đánh giá cao việc trường ĐHSPKT TPHCM gắn dạy với học, sự thay đổi ấy tương hỗ cho nhau, nhất là với mô hình không gian học tập mở.
Mặt khác, điều khiến Bộ trưởng ấn tượng nhất ở nhà trường sau 2 năm quyết liệt đổi mới chính là sự thay đổi của cả thầy và trò. Trường không chỉ gắn việc dạy và học với nghiên cứu khoa học một cách đậm nét, mà còn thật sự chủ động. Tất cả những đổi mới ấy - theo Bộ trưởng - đều đúng với chủ trương của Đảng, định hướng của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và rất sáng tạo.
Bộ trưởng cho biết: Trung ương đã quyết định chúng ta chuyển từ phương thức đào tạo chiếm hữu, sở hữu kiến thức một chiều sang phương thức giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất. Ở bậc ĐH là chú trọng công tác đào tạo kỹ năng, năng lực làm việc và tay nghề, kỹ năng mềm.
Thời đại làm việc cá thể qua rất lâu rồi, lúc này là thời điểm chúng ta phải làm việc nhóm, làm sao phải dạy cho học sinh, sinh viên cái kỹ năng đó. Trước hết, GV các trường phải chú trọng đào tạo kỹ năng, năng lực làm việc... để hút sinh viên, học sinh. Đào tạo theo nhu cầu xã hội là một chủ trương, một con đường mà chúng ta phải kiên trì làm thật, bền bỉ làm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến chủ trương phân luồng của TW của Đảng triển khai rất khó khăn, chưa đạt được yêu cầu.
"Lý do rõ nhất chính là chương trình, phương pháp dạy, phương pháp học, điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học chưa đủ và phù hợp với nhu cầu của chúng ta. Chính vì thế, không cách nào khác là phải quyết liệt đổi mới, làm sao để việc dạy và học quyện chặt vào nhau, tương hỗ cho nhau.
Đặc biệt, phải sớm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ GV dạy nghề ở hệ thống các nhà trường phải trở thành nòng cốt của công cuộc đổi mới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng ngày, trường ĐHSPKT TPHCM khánh thành Phòng dạy học số trị giá trên 8 tỉ đồng do bang Azizona (Mỹ) tài trợ, phối hợp cùng trường xây dựng.
Đây được xem là một phòng học hiện đại theo mô hình trực tuyến, không chỉ kết nối với lớp học, giảng đường thực tế của các trung tâm, giảng đường tại Việt Nam mà sinh viên còn có thể học tập trực tiếp với GS danh tiếng của bất cứ trường ĐH nào của Mỹ mà trường ĐHSPKT TPHCM có ký kết hợp tác đào tạo.
Mô hình phòng dạy học số giúp sinh viên có điều kiện lĩnh hội tri thức các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới: GV có cơ hội nâng cao trình độ khi được “cọ xát” với các GV, GS hàng đầu của Mỹ.
Mô hình dạy học này còn giúp GV đổi mới phương pháp giảng dạy, SV đổi mới phương pháp học, giúp sinh viên tăng khả năng ngoại ngữ, đối thoại trong quá trình học, họ trau dồi thêm bản lĩnh hội nhập.