Quy đổi điểm ngoại ngữ trong tuyển sinh: Tránh rơi vào "bẫy" ưu tiên

GD&TĐ - Khi các trường đại học mở rộng phương thức tuyển sinh thì thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có lợi thế lớn trong xét tuyển.

Thí sinh cần thận trọng, xem xét thật kỹ các tiêu chí ưu tiên về chứng chỉ ngoại ngữ ở phương thức mình chọn để xét tuyển.
Thí sinh cần thận trọng, xem xét thật kỹ các tiêu chí ưu tiên về chứng chỉ ngoại ngữ ở phương thức mình chọn để xét tuyển.

Nhiều trường thậm chí còn dành số lượng chỉ tiêu cố định để tuyển thẳng những thí sinh có học lực khá, giỏi và có chứng chỉ này. 

Mỗi trường một thang đo

Trong hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD&ĐT có nội dung quy định các trường hợp thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo đó, thí sinh được miễn thi khi thuộc một trong những đối tượng sau: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6/7/2022 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định. Trong đó, môn tiếng Anh là IELTS đạt 4.0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 54 điểm.

Theo quy định của hướng dẫn, những thí sinh khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT. Quy định này là lợi thế cho các thí sinh giỏi tiếng Anh, có chứng chỉ quốc tế. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, chưa nhiều trường sử dụng thang điểm quy đổi này để thực hiện trong việc xét tuyển vì nhiều lý do.

TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) nhìn nhận việc trường chưa dùng điểm quy đổi (miễn thi tốt nghiệp) theo quy định của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh, cũng như ngưỡng chuẩn đầu ra của trường.

“Theo quy định, thí sinh chỉ cần chứng chỉ IELTS đạt 4.0 được quy đổi thành 10 điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ. Mức điểm này so với chuẩn đầu ra chương trình đại trà của trường là thấp hơn (hiện là 5.0 điểm) nên chúng tôi xây dựng mức điểm quy đổi riêng với nhiều thang điểm để đánh giá công bằng cho mọi thí sinh”, TS Bùi Hoài Thắng cho biết.

Xu hướng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như một tiêu chí ưu tiên trong xét tuyển đại học được nhiều trường áp dụng mạnh mẽ trong 2 mùa tuyển sinh gần đây. Trường ít thì có từ 500 - 700 thí sinh xét tuyển có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường nhiều thì số lượng từ 1.000 - 2.000 thí sinh.

Tuy vậy, theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, bản chất của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vẫn là một tiêu chí phụ, xét thêm trong tổng thể của một phương thức xét tuyển, chứ chưa phải là phương thức xét tuyển độc lập. Do đó, với việc quy đổi điểm thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp sang thang điểm 10 khi có điểm IELTS 4.0 theo quy định của Bộ GD&ĐT chưa được nhiều trường sử dụng, vì thực tế chuẩn đầu ra ngoại ngữ của nhiều trường hiện tối thiểu phải là 4.5 điểm.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT vào Trường ĐH Gia Định.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT vào Trường ĐH Gia Định.

Lưu ý những điểm + trong tổ hợp xét tuyển

Theo phương thức quy đổi điểm của Trường ĐH Mở TPHCM, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.5 điểm được quy đổi tương đương 7 điểm môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Mức điểm IELTS từ 6.0 điểm trở lên thí sinh mới được tính 10 điểm.

Rõ ràng giữa thang điểm quy định quy đổi của Bộ GD&ĐT và các trường có sự khác nhau. Điều này theo GS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM là điều dễ hiểu, bởi thang điểm quy đổi sang điểm thi tốt nghiệp THPT (xét tốt nghiệp) chắc chắn phải khác với thang điểm làm căn cứ xét tuyển đại học. Bởi mỗi trường có chuẩn chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần hết sức lưu ý các điều kiện quy đổi, điểm cộng ưu tiên với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tổ hợp xét tuyển của từng trường.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022 chưa có nhiều trường sử dụng điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT làm căn cứ xét tuyển. Vì vậy, thí sinh muốn xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp môn có ngoại ngữ) vẫn phải dự thi môn Tiếng Anh.

Thực tế, trong các tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ thì điểm số của môn này đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, với nhiều ngành học đặc thù, ngành học theo chương trình chất lượng cao, hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc song bằng thì tiêu chí điểm đầu vào của môn ngoại ngữ được các trường đưa ra một cách cụ thể. Vì vậy, theo TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Gia Định, khi tham gia xét tuyển theo điểm ngoại ngữ các tổ hợp môn thí sinh cần đặc biệt lưu ý các điều kiện đầu vào điểm tiếng Anh từng chương trình học, ngành học để đạt điểm tối đa ưu tiên.

TS Toàn nhìn nhận thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL (đủ điều kiện theo quy định) được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là điều hợp lý, có tính hội nhập quốc tế. Bởi xu hướng quốc tế ngoại ngữ là điều cần thiết trong học tập và công việc sau này.

“Với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công dân toàn cầu, việc các trường đại học sử dụng các tiêu chí chuẩn hóa quốc tế, được công nhận rộng rãi trên thế giới (như SAT, ACT, IELTS…) để tuyển sinh là điều dễ hiểu và đáng được ghi nhận. Khi công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, một số trường đại học có thể quy ra điểm tương ứng để tính tổng điểm cùng các môn tổ hợp mà thí sinh chọn để xét tuyển, không nên nhân đôi. Với thí sinh, để không rơi vào “bẫy” ưu tiên và quy đổi điểm các em cần phải xem thông tin và hỏi thật kỹ điểm mình được quy đổi cụ thể ra sao trước khi nộp hồ sơ xét tuyển”, TS Toàn chia sẻ.

ThS Phạm Thái Sơn thì cho rằng, với cách thức quy đổi và tính điểm ưu tiên cho các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không giống nhau và đồng nhất với nhau từ các trường, các em cần phải hết sức lưu ý điều kiện và tiêu chí trong thông báo xét tuyển.

“Hiện chưa nhiều trường sử dụng thang điểm quy đổi theo quy định của Bộ GD&ĐT không có nghĩa là họ phủ nhận, bởi thực tế chưa có nhiều thí sinh có điều kiện thi hay sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nên các trường vẫn chỉ xem nó là một tiêu chí phụ để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Để không phải đối mặt những bất cẩn, rủi ro không đáng có trong quy đổi và xét tuyển tổ hợp có môn ngoại ngữ, thí sinh nên theo dõi kỹ các thông tin tuyển sinh trên trang web của trường và trên  báo chí để biết được chi tiết”, ThS Sơn lưu ý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.