Tuy nhiên, để áp dụng mức giá như vậy tại các bệnh viện công lập cũng cần có những thay đổi về cơ sở vật chất cũng như chất lượng khám chữa bệnh.
Thống nhất trong bệnh viện cùng hạng
Dự kiến từ 1/10/2019, quy định tại Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập sẽ được thực hiện. Các bệnh viện có thể tự ban hành giá nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.
Cụ thể, giá giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định.
Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết hoạt động dịch vụ: Giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, sẽ có các mức từ 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường - 3 giường - 2 giường/phòng.
Các cơ sở y tế khác tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (trừ bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1) với mức giá giường từ 900.000 - 3 triệu đồng/ngày. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1) các tỉnh còn lại giá giường điều trị nội trú dao động từ 600.000 - 2 triệu đồng/ngày.
Như vậy, để thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) và dịch vụ giường theo yêu cầu, tại các bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã đưa ra các mức giá theo mức độ khác nhau và thống nhất ở các bệnh viện cùng hạng.
Nếu so với các bệnh viện ngoài công lập với dịch vụ KCB cao cấp thì mức giá tiền giường là 4 triệu đồng mà Bộ Y tế đưa ra với dịch vụ khám theo yêu cầu cũng là con số tương đương. Thậm chí, nhiều bệnh viện ngoài công lập sẽ cao hơn.
Ví dụ, ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Cơ sở tại Time City Hà Nội), giá giường dịch vụ có thể dao động từ 3,5 triệu đồng tới 7 triệu đồng/ngày tùy theo loại phòng.
Tuy nhiên, đối với các cơ sở công lập thì đây lại là mức giá cao. Hiện tại, rất ít cơ sở y tế công lập có đủ điều kiện để đáp ứng với mức giá kịch trần là 4 triệu đồng. Ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, một trong số những bệnh viện lớn uy tín trên cả nước thì số lượng giường bệnh có thể thu với giá cao nhất mà Bộ Y tế đưa ra là chưa có.
Đáp ứng nhu cầu của người dân
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ: Hiện nay, tại các bệnh viện công, hệ thống máy móc hiện đại dùng trong quá trình điều trị cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân nặng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu KCB tiên tiến.
Mức giá 4 triệu đồng về tiền giường cùng với giá KCB theo yêu cầu sẽ phải dùng để chi trả cho việc khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, điện nước, vật tư, bảo dưỡng duy trì... thêm đó là kèm theo các chi phí về quản lý, gián tiếp.
Đơn cử để trang bị một giường bệnh trong phòng hồi sức tích cực sẽ phải mất khoảng 2 tỷ đồng bởi đi kèm giường nằm là các thiết bị hiện đại hỗ trợ đắc lực trong việc điều trị tích cực cho người bệnh.
“Mức giá này chỉ nhằm đến đối tượng có khả năng chi trả. Còn đối với những trường hợp bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được cấp cứu và KCB đúng tuyến. Bộ Y tế xây dựng khung giá về giường và giá KCB theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Đến KCB tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có những trường hợp, khi tìm hiểu về cơ sở vật chất của bệnh viện người dân lại chuyển hướng điều trị ra nước ngoài.
Mặc dù, họ biết đội ngũ y bác sĩ tại viện đủ khả năng điều trị bệnh, nhưng họ muốn có sự lựa chọn tốt hơn về cơ sở, điều kiện KCB. Vì vậy rất lãng phí nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội KCB cho các đối tượng này. Tuy nhiên, tỷ lệ được thu các loại giường này theo yêu cầu tại các bệnh viện công sẽ không nhiều”, ông Nguyễn Ngọc Hiền nhấn mạnh.
Cũng cùng quan điểm, ông Khuất Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Giai đoạn hiện nay trong xã hội cũng có rất nhiều đối tượng bệnh nhân có điều kiện về kinh tế, có nhu cầu được KCB chất lượng cao. Khi vào viện, họ có mong muốn được điều trị ở phòng bệnh tiện nghi và được những thầy thuốc giỏi, có uy tín thăm khám với những loại thuốc đặc hiệu nhất...
Cho nên nếu các bệnh viện công lập không có các dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của họ, thì họ sẽ đi khám ở các nơi khác, thậm chí ra nước ngoài điều trị.
Vì vậy, quan điểm về mức giá giường bệnh, mức giá KCB của Bộ Y tế đưa ra như vậy cũng phù hợp. Điều này sẽ tạo điều kiện về mặt cơ chế, nguồn lực để các bệnh viện có nguồn thu chi cho việc nâng cao chất lượng của các dịch vụ điều trị theo yêu cầu và có thêm nguồn chi cho phát triển bệnh viện.
Tuy nhiên, theo ông Khuất Thanh Bình, để thu hút và phục vụ được đông đảo đối tượng bệnh nhân có nhu cầu dùng các dịch vụ theo yêu cầu trong KCB, các bệnh viện cần phải tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ có chuyên môn cao đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.
Làm sao để người sử dụng dịch vụ hài lòng, thỏa mãn về chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. Các bệnh viện tùy theo điều kiện của mình, dựa vào khung giá Bộ Y tế đưa ra lựa chọn mức giá cho phù hợp với điều kiện mức sống của người dân địa phương.