Quy định tuyển sinh vào THPT: Chọn môn thứ 3 thế nào?

GD&TĐ - Môn thi thứ 3 tuyển sinh vào THPT nên như thế nào là việc các nhà trường, sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm...

Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Vân Anh
Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Vân Anh

Bộ GD&ĐT đang xây dựng Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế quy định hiện hành, trong đó nội dung được quan tâm là phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục góp ý, đề xuất với Bộ GD&ĐT trong xây dựng Quy chế này.

Kiểm tra kiến thức tổng hợp

Một trong những điểm mới mà Bộ GD&ĐT dự kiến là quy định cụ thể 2 môn bắt buộc thi vào lớp 10 gồm Toán, Ngữ văn (với địa phương chọn phương án thi tuyển). Còn môn thi thứ 3 nên như thế nào là việc các nhà trường, sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm.

Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cho rằng, nên quy định bài thi môn thứ 3 là kiểu đề đánh giá năng lực, tổng hợp của nhiều môn (trừ Toán, Ngữ văn là môn thi độc lập).

Cách này giúp học sinh học toàn diện trong giai đoạn THCS để có kiến thức phổ thông cơ bản, làm nền tảng cho việc học lên các bậc học cao hơn. Môn thứ 3 thi theo kiểu đánh giá năng lực là phù hợp với mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học của Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, đây cũng là động lực để giáo viên THCS tự học, đáp ứng yêu cầu dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.

“Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là khâu ra đề thi phù hợp, có tính phân hóa để đánh giá đúng năng lực học sinh. Hiện, giáo viên phổ thông được tập huấn ra đề rất kỹ. Giáo viên nhiều trường xây dựng ma trận đề và ra đề hay, bài bản”, thầy Lê Văn Hòa nêu quan điểm.

Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) bày tỏ đồng tình với việc cố định 2 môn Toán, Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10. Riêng môn thi thứ 3, với phương án một bài thi tổ hợp, ưu điểm được ông Phúc chỉ ra là giúp đánh giá năng lực tổng thể, tránh học sinh chỉ tập trung vào một hoặc hai môn.

Bên cạnh đó, thay vì phải tập trung quá nhiều vào một môn cụ thể, bài thi tổ hợp giúp học sinh có thể đạt điểm nhờ kết hợp nhiều kiến thức từ các môn học. Tuy nhiên, hạn chế của cách này là học sinh có thể cảm thấy áp lực khi phải ôn luyện nhiều môn cùng lúc, do đó đòi hỏi phương pháp học tập hiệu quả và quản lý thời gian tốt. “Tóm lại, việc chọn môn thi thứ ba cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo cả việc đánh giá đúng năng lực học sinh và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện”, ông Phúc chia sẻ.

Góp ý về môn thi vào lớp 10, ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho rằng, số lượng môn thi là 3, gồm Toán, Ngữ văn và môn thi thứ ba do địa phương lựa chọn trong các môn còn lại. Lý do, với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và để đáp ứng tình hình, chất lượng dạy học thực tế ở địa phương, Bộ GD&ĐT cần giao quyền chủ động để địa phương quyết định nhằm thúc đẩy việc dạy học.

Ngoài góp ý này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đề xuất bổ sung quy định hình thức thi tự luận kết hợp trắc nghiệm cho phù hợp với tình hình thực tế và bổ sung phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

chon-mon-thu-3-the-nao1-7677-863.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Xem xét lại quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên

Góp thêm ý kiến cho Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, ông Mai Huy Phương cho rằng, cần quy định lại đối tượng tuyển thẳng và hưởng chế độ ưu tiên; có quy định về việc ưu tiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển sinh. Cùng đó, giao quyền chủ động cho địa phương trong việc quyết định một số nội dung về công tác tuyển sinh đầu cấp phù hợp với thực tiễn, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương…

Khẳng định tầm quan trọng, ảnh hưởng của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, ông Phạm Viết Phúc góp ý, cần tiếp tục cải thiện các phương thức tuyển sinh nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các khu vực khác nhau, đặc biệt giữa thành thị và nông thôn. Nên cung cấp thông tin tuyển sinh công khai, rõ ràng và dễ hiểu để phụ huynh và học sinh dễ tiếp cận, nắm bắt.

Cũng cần đa dạng phương thức tuyển sinh để đánh giá toàn diện năng lực của người học. Không nên chỉ dựa vào kết quả thi cử mà còn có thể kết hợp các hình thức khác như phỏng vấn, kiểm tra năng lực tư duy sáng tạo hoặc hoạt động ngoại khóa. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng theo năng lực hoặc định hướng phát triển chuyên biệt như trường năng khiếu hoặc trường chuyên.

“Áp lực thi cử là vấn đề lớn đối với học sinh và phụ huynh. Quy chế nên khuyến khích sự linh hoạt trong việc thi tuyển và xét tuyển để giảm bớt gánh nặng tâm lý cho học sinh. Việc tổ chức thi cử cần hợp lý, tránh quá nhiều kỳ thi dồn dập. Đảm bảo cơ hội cho học sinh khuyết tật, học sinh vùng sâu, xa tiếp cận với các trường chất lượng cao. Quy chế cần có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ cụ thể về xét tuyển và học phí”, ông Phúc nêu thêm quan điểm.

Ngoài ra, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đăng ký và xét tuyển, giúp giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian. Có thể phát triển các hệ thống đăng ký trực tuyến thông minh, giúp học sinh nộp hồ sơ và theo dõi kết quả nhanh chóng.

Nêu quan điểm về môn thi, thầy Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, số lượng 3 môn thi là phù hợp. Nếu chỉ thi 2 môn Toán, Ngữ văn thì độ bao phủ kiến thức chưa rộng, học sinh dễ học lệch tập trung vào 2 môn này, đặc biệt năm lớp 9; các nhà trường sẽ lơ là với các môn còn lại. Nếu thi từ 4 môn trở lên, học sinh sẽ áp lực. Thầy Nguyễn Trọng Năm cũng nghiêng về việc ấn định bằng thi tuyển để đảm bảo công bằng hơn, minh bạch hơn.

Trước băn khoăn chỉ thi 3 môn sẽ ảnh hưởng đến giáo dục toàn diện, ông Mai Huy Phương lập luận: Điều quan trọng hiện nay là việc đánh giá thường xuyên và định kỳ. Nếu làm việc này thực chất, đúng chuẩn đầu ra của chương trình thì có thể thúc đẩy học sinh học toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Từ trang sách: Tiếng Việt muôn màu

GD&TĐ - Bởi sự thông dụng mà đôi khi khiến ta lại quên mất mình không phải lúc nào cũng sử dụng tiếng Việt đúng cách, hợp lí và hay.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hạnh phúc đơn sơ

GD&TĐ - Điều thú vị nhất là khi rời khỏi làng. Trước mặt chúng tôi, những cánh đồng lúa mì, ngô, lúa mạch trải dài vô tận.

Minh họa/INT

Cảm biến đo độ ngọt của xoài

GD&TĐ - Dựa trên cảm biến đo bước sóng, không cần tác động vào trái xoài, các nhà khoa học vẫn đo được lượng đường, nước, để đánh giá chất lượng trái cây.

Võ Quang Phú Đức - Trường THPT chuyên Quốc học Huế giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2024. Ảnh: VTV

Vì sao miền Trung nhiều quán quân Olympia?

GD&TĐ - Xét về số quán quân, 18 địa phương có quán quân Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 3 nhà vô địch...