Quy định tuyển dụng giáo viên: Coi trọng đặc thù nghề nghiệp

GD&TĐ - Quy định về tuyển dụng giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: INT
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: INT

Theo đó, nội dung tuyển dụng cần căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Đây là nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo.

Vì sao phải có thực hành sư phạm?

Khẳng định tăng yếu tố chuyên môn, yêu cầu “phải có thực hành sư phạm” trong tuyển dụng giáo viên nên là tất yếu và không chỉ lĩnh vực giáo dục mới cần quy định thực hành nghề nghiệp, ThS Nguyễn Vinh san - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) lý giải:

Nghề giáo có tính đặc thù khi đối tượng tác động là con người (học sinh, sinh viên). Một nhà giáo giỏi không chỉ ở kiến thức chuyên môn mà còn cần nhiều kỹ năng khác, như khả năng truyền đạt, định hướng, thấu hiểu và truyền cảm hứng.

Bên cạnh chuyên môn giảng dạy, nhà giáo còn phải đáp ứng các yêu cầu về hoạt động giáo dục học sinh. Ở các cấp học thấp hơn, yêu cầu về giáo dục còn cao hơn yêu cầu về đào tạo. Những năng lực đặc thù, kỹ năng sư phạm chỉ có thể bộc lộ rõ nét trong khi thực hành sư phạm, khó có thể nhận biết đầy đủ khi đánh giá, xem xét hồ sơ hành chính.

Cũng theo ThS Nguyễn Vinh San, vấn đề thi tuyển hay xét tuyển không nằm ở phương thức tiến hành mà cốt yếu ở các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và tính minh bạch trong đánh giá tuyển dụng.

Thi tuyển hoặc xét tuyển và thực hành sư phạm cần được quy định rõ trong các văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, tiêu chí, thang điểm, thành phần hội đồng giám khảo và hoạt động giám sát xã hội về công tác tuyển dụng. Các kết quả chấm điểm từng tiêu chí cần công khai để đảm bảo tuyển đúng người vào ngành Giáo dục, một ngành nghề yêu cầu cao về đạo đức, liêm chính và trung thực.

“Không cần băn khoăn về quy định trên liệu có làm hạn chế cơ hội tuyển dụng và gây thêm khó khăn cho việc tuyển dụng nhà giáo. Việc tuyển dụng của bất cứ ngành nghề nào cũng cần có thực hành nghề nghiệp. Một ứng viên tuyển dụng thì phải nộp hồ sơ và tham gia sát hạch là bình thường. Điều này, tạo cơ hội cho giáo viên có cơ hội cạnh tranh công bằng.

Cùng đó, nguồn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường hằng năm hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về nguồn tuyển. Mặt khác, chúng ta phải chấp nhận có thể thiếu một vài giáo viên chứ không thể tuyển dụng một người không có hoặc yếu kỹ năng sư phạm”, ThS Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.

Từ thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục, cô Phạm Thị Kiều Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đồng tình với nội dung điều chỉnh về tuyển dụng giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là tiêu chuẩn giúp đánh giá một cách khách quan về năng lực giảng dạy, đạo đức và các phẩm chất cần thiết khác của giáo viên. Do đó, căn cứ tuyển dụng dựa vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo giúp đảm bảo người được tuyển dụng có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Yêu cầu tuyển dụng phải có thực hành sư phạm giúp kiểm chứng khả năng thực tế của giáo viên trong môi trường giảng dạy, không chỉ đánh giá qua lý thuyết (bằng cấp) mà còn qua khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế, xử lý các tình huống sư phạm trên lớp sinh động, phức tạp.

“Thực tế, có sinh viên sư phạm ra trường đạt bằng giỏi, xuất sắc, hay ứng viên trên chuẩn đào tạo như thạc sĩ, nhưng khi thực hành giảng dạy vẫn có nhiều hạn chế về nghiệp vụ sư phạm. Bởi vậy, quy định tuyển dụng nhà giáo dựa trên chuẩn nghề nghiệp và thực hành sư phạm là hướng đi phù hợp và cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên trong giai đoạn hiện nay”, cô Phạm Thị Kiều Oanh khẳng định.

coi-trong-dac-thu-nghe-nghiep.jpg
Cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhận định: Hiện quy định về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Chẳng hạn, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Điều kiện đăng ký dự tuyển không tính đến các trường hợp chưa bảo đảm đủ tư cách để trở thành nhà giáo; ví dụ như một số trường hợp có lịch sử gây nguy hiểm đến an toàn trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển. Quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú ở Việt Nam làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong GD-ĐT.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT không phải đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Việc bỏ biên chế suốt đời dẫn đến tình trạng nhiều nhà giáo tâm tư, đồng thời đây cũng là một trong số lý do sinh viên xuất sắc ra trường không thực sự tha thiết đăng ký tuyển dụng làm nhà giáo.

Chính vì vậy, theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều chỉnh quy định về tuyển dụng có thể là một khâu quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ. Cần quy định tuyển dụng không có sự phân biệt giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập bằng cách dựa trên chuẩn nhà giáo, nhu cầu, quỹ tiền lương. Đồng thời, tuyển dụng nhà giáo phải công khai, công bằng, khách quan, đúng luật; đảm bảo tính cạnh tranh, đúng người, đúng tiêu chuẩn; ưu tiên người tài và phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu sai phạm.

Phương thức tuyển dụng đồng thời phải đơn giản, thuận tiện; tốt nhất là chỉ gồm xét hồ sơ, phỏng vấn chuyên môn và thực hành sư phạm. “Tôi nghĩ, thực hành sư phạm phải bắt buộc và hướng tới công nhận số giờ thực hành sư phạm tối thiểu trước khi ra trường cũng giống như các điều kiện về thực tập mà bác sĩ phải đáp ứng”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp vô cùng cần thiết. Nhà giáo được tuyển dụng ngoài đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, còn cần có năng lực sư phạm, khả năng xử lý tình huống sư phạm.

Thực tế, một số sinh viên được đào tạo, tốt nghiệp loại giỏi, nhưng khi giảng dạy thực tế, kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm lại chưa tốt; hoặc có trường hợp thầy cô phát âm chưa chuẩn; hoặc khả năng diễn đạt chưa rõ ràng, gãy gọn.

Vì vậy, bên cạnh có đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định, ứng viên cần phải được thi thực hành sư phạm, bộc lộ hết năng lực; từ đó, tuyển dụng được người giỏi cho cơ sở giáo dục. - Cô Đào Thị Hồng Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.