Quy định mới của Hà Nội: “Hoa mắt, chôn chân” vì… cấp - quản Giấy đi đường

GD&TĐ - Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch theo phương án giãn cách 3 vùng. Ngày đầu triển khai (6/9), lực lượng công an “căng mình” kiểm tra Giấy đi đường của người dân.

Lực lượng CSGT túc trực 24/24 giờ để gấp rút hoàn thành thủ tục cấp Giấy đi đường cho người dân.
Lực lượng CSGT túc trực 24/24 giờ để gấp rút hoàn thành thủ tục cấp Giấy đi đường cho người dân.

Hơn 8 vạn Giấy đi đường mới

Ngay sớm ngày 6/9, cán bộ và chiến sĩ Đội Quản lý xe thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đã khẩn trương thực hiện thao tác xét duyệt, cấp Giấy đi đường có mã QR-Code nhận diện cho người dân, doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, 54 cán bộ, chiến sĩ ăn nghỉ tại chỗ, chia ca làm việc 24/24 giờ để phục vụ cho việc cấp Giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Theo Phòng CSGT, thao tác thực hiện xét duyệt cấp Giấy đi đường khá nhanh. Sau khi các sở, ngành gửi danh sách cá nhân, người điều khiển phương tiện mô tô, ô tô qua thư điện tử đã xác thực trên hệ thống đến Phòng CSGT, chỉ mất 3 - 5 phút là việc cấp Giấy đi đường được hoàn thành.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), cho biết, từ đêm 5/9 đến sáng 6/9, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thức trắng đêm để kịp in mẫu Giấy đi đường mới phục vụ nhân dân theo chức năng quản lý. Đến 17 giờ chiều 6/9, các đơn vị đã cấp được hơn 80 nghìn Giấy đi đường theo thẩm quyền.

Đại tá Dương Đức Hải cũng nhấn mạnh, các đơn vị đều được quán triệt tạo điều kiện cho người dân thực hiện cấp Giấy đi đường nhưng không vì thế mà lơ là kiểm soát. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ cũng thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm quy định phòng chống dịch, để đảm bảo an toàn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại trụ sở UBND phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) sáng 6/9, các cán bộ, chiến sĩ Công an phường đã bắt đầu cấp Giấy đi đường cho các cá nhân, người lao động và doanh nghiệp thực hiện công việc thiết yếu.

Công an phường khẩn trương rà soát đối tượng được cấp giấy, yêu cầu người dân kê khai đúng hướng dẫn của biểu mẫu đã được Công an TP Hà Nội hướng dẫn để nhanh chóng trả lời yêu cầu của công dân.

Trung tá Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an phường Đông Ngạc, cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND phường Đông Ngạc chuẩn bị cơ sở kỹ thuật, hướng dẫn triển khai xét duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1.

Hiện, UBND phường và Công an phường Đông Ngạc đang triển khai 2 máy tính bàn và một máy xách tay để nhập dữ liệu, thực hiện nhanh chóng cấp Giấy đi đường và thẻ đi mua hàng thiết yếu.

Ngoài ra, Chỉ huy Công an phường thường xuyên có mặt tại khu vực xét duyệt, cấp Giấy đi đường để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Đổ về “Vùng đỏ”

Song song với việc cấp Giấy đi đường, sáng 6/9 lượng phương tiện di chuyển vào Vùng 1 (vùng đỏ) khá đông. Lực lượng trực chốt phải “căng mình” đảm bảo kiểm soát người và phương tiện.

Ghi nhận của PV, lực lượng trực chốt sáng 6/9 kiểm tra với tinh thần nhắc nhở, hướng dẫn để người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch; chỉ xử phạt những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Tại Chốt 16 - điểm chốt trên cầu Nhật Tân hướng đi ra ngoại thành, Đại úy Đỗ Văn Ninh, Ca trưởng Chốt 16, cho biết, lưu lượng phương tiện đông hơn so với ngày nghỉ lễ vừa qua.

“Ngày 6/9 vẫn kiểm tra theo mẫu Giấy đi đường cũ và kết hợp nhắc nhở người dân bổ sung mẫu Giấy đi đường mới. Từ 8/9, những người ra đường không có Giấy đi đường, sử dụng mẫu giấy cũ sẽ bị yêu cầu quay đầu xe, nhằm siết chặt hạn chế nguy cơ lây nhiễm Vùng 1 sang Vùng 2 và Vùng 3…”, Đại úy Ninh chia sẻ.

Đại úy Ninh cũng nhấn mạnh, những trường hợp không có Giấy đi đường vẫn bị lập biên bản xử phạt theo quy định. Trường hợp đi không đúng tuyến đường đăng ký sẽ phải quay đầu xe.

Trong khi đó, mật độ giao thông qua cầu Chương Dương hướng từ Long Biên sang nội đô ghi nhận ở mức bình thường. Chốt trực trên phố Nguyễn Văn Cừ bố trí cách cầu khoảng 200m để bảo đảm phương tiện không bị ùn ứ.

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT) phụ trách 2 đầu cầu Chương Dương thông tin, từ 6 - 10 giờ ngày 6/9 số lượng phương tiện qua chốt ghi nhận ở mức bình thường, lực lượng chức năng đều bảo đảm kiểm soát 100% phương tiện và người qua chốt.

Tại điểm chốt Vùng 2 trên đường Võ Nguyên Giáp – lối lên cầu Nhật Tân, từ 5 giờ đã có rất đông, lượng phương tiện chở lương thực, thực phẩm vào thành phố.

Đại úy Nguyễn Quốc Hội - Ca trưởng Chốt trực kiểm tra, cho biết, đây là Vùng 2 đầu ngõ của Thủ đô, lượng phương tiện di chuyển vào nội đô làm việc rất đông, phải tăng cường cán bộ, chiến sĩ kiểm soát.

“Từ 5 giờ sáng đến nay (khoảng 10 giờ - PV) lực lượng làm 100% công suất để kiểm tra, kiểm soát phương tiện, nỗ lực đảm bảo không để giao thông bị ùn ứ…”, Đại úy Hội nói.

Cũng theo Đại úy Hội, người dân đủ Giấy đi đường theo mẫu mới sẽ được đi qua chốt luôn. Với những người dùng mẫu cũ lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở để người dân kịp thời bổ sung Giấy đi đường theo mẫu mới.

Trước đó (tối 5/9), thông tin tại cuộc họp với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, chưa xử phạt người tham gia giao thông chưa có Giấy đi đường mẫu mới.

Theo đó, cấp Giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, lực lượng chức năng của thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Theo quy định về quy trình xét duyệt, cấp Giấy đi đường tại Vùng 1 đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Công an thành phố Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm cấp Giấy đi đường cho 2 nhóm gồm: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Nhóm này sẽ được Phòng CSGT duyệt cấp Giấy đi đường. 
Với cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu, thẩm quyền cấp Giấy đi đường cho nhóm này thuộc về Công an xã, phường, thị trấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.