Quy định 6m2/giảng viên: Thách thức nhưng cần thay đổi

GD&TĐ - Quy định 6m2/giảng viên trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học khiến một số đơn vị băn khoăn.

Một phòng học của Trường ĐH Thương mại. Ảnh: NTCC
Một phòng học của Trường ĐH Thương mại. Ảnh: NTCC

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số này cần diện tích không nhỏ nên khó đáp ứng ở thời điểm hiện tại.

Cần không gian làm việc

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01), trong đó có quy định: Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người. Trường hợp áp dụng cho phân hiệu, số giảng viên toàn thời gian được lấy theo số liệu dùng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

GS.TS Vũ Văn Yêm - Trưởng ban Tổ chức - Nhân sự (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận, đây là thách thức lớn đối với các trường đại học nhưng cần thay đổi. Giảng viên phải có chỗ ngồi làm việc và không gian để trao đổi với sinh viên. Không tập trung làm việc thì đừng nói đến phát triển.

Quy định trên cần đi kèm với quy hoạch TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để có quỹ đất cho cơ sở giáo dục đại học, GS.TS Đào Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) trao đổi và cho rằng, khi các trường nhìn thấy quỹ đất để có kịch bản đầu tư, mở rộng thì chỉ số về cơ sở vật chất của Thông tư 01 sẽ hiệu quả. Ngoài ra, cần xem xét lộ trình áp dụng từng tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích đất.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên phân tích, cần có định lượng như vậy để các trường phấn đấu. Đây là chỉ số để chính quyền địa phương có cơ sở quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo. Còn giải thích thế nào là phù hợp và phù hợp với từng cơ sở giáo dục đại học sẽ rất khó để đáp ứng bài toán này.

Tại Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư 01, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, giảng viên là viên chức nhưng cũng là người lao động. Ngoài thời gian lên lớp, giảng viên phải soạn bài giảng, trao đổi với sinh viên, nghiên cứu, tham gia hoạt động chuyên môn và sinh hoạt nghiệp vụ... Chính vì thế, cơ sở giáo dục đại học cần đầu tư chỗ ngồi làm việc cho giảng viên. Cơ sở đào tạo cần xem lại cách quản trị nếu giảng viên không đến trường dù đủ phòng làm việc.

Giờ học tại Trường ĐH Hòa Bình. Ảnh: Website nhà trường

Giờ học tại Trường ĐH Hòa Bình. Ảnh: Website nhà trường

Quy hoạch mạng lưới

Theo Thứ trưởng, mục đích đầu tiên của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Khi quy hoạch mạng lưới được ban hành sẽ có nhiều việc phải làm; trong đó việc sắp xếp, mở rộng không gian, định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Tất cả đều dựa trên những tiêu chuẩn đã ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ. Đây là yêu cầu của cả hệ thống giáo dục đại học, chứ không phải nhu cầu hay mong muốn của từng trường.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và tối đa 28 chỉ số. Các chỉ số mang tính định lượng cao, đơn giản trong việc tính toán, giám sát, theo dõi, thực hiện. Thứ trưởng mong muốn, các trường hiểu đúng, rõ Thông tư 01 để thực hiện hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những yêu cầu tối thiểu mà cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và kiểm chứng qua minh chứng, chỉ số tương ứng.

Hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi, có thể định lượng; có nội dung có thể mang tính định tính nhưng phải cụ thể, đơn giản, ngắn gọn, dễ đo lường và kiểm chứng được.

Hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính kế thừa quy định của Việt Nam nhưng không quy định lại các nội dung mà các văn bản quy phạm pháp luật khác đã nêu.

Xây dựng chuẩn đặt lợi ích người học là trọng tâm, toàn xã hội có thể giám sát, đánh giá để cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan. Cùng đó, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục đại học cũng như sự đa dạng từng loại cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có tác động tới cơ sở giáo dục đại học nhưng theo hướng tích cực vì bản chất tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn là các cơ sở giáo dục đại học đã và đang triển khai nhiều năm qua. Thông qua thực hiện chuẩn này, cơ sở giáo dục đại học xây dựng chiến lược, kế hoạch để duy trì, cải tiến chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo ra nhiều ảnh hưởng với bên liên quan, thu hút nguồn lực từ xã hội và tạo sự phát triển bền vững cho từng đơn vị.

Việc công khai kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cung cấp thông tin giúp các bên liên quan có cái nhìn tường minh về diện mạo, sứ mệnh và các chỉ số chính trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, học sinh, sinh viên có thêm dữ liệu để xác định, lựa chọn cơ sở giáo dục đại học tốt, phù hợp, từ đó chuẩn bị yêu cầu cần thiết để tham gia thị trường lao động.

Theo các chuyên gia, việc ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhằm “dọn đường” để quy hoạch lại mạng lưới trường đại học. Trong đó, yêu cầu về diện tích đất là một trong những điểm nhấn để đưa các trường đại học từ khu vực nội thành như Hà Nội, TPHCM ra ngoại thành…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.