Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) về: “Việc xử lý mua con tàu chở khách của Tập đoàn Vinashin không mang lại hiệu quả được xử lý như thế nào? Hơn 1.000 tỷ đó có kéo theo hệ lụy gì tới việc sử dụng vốn nhà nước?”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tàu Hoa Sen được Công ty TNHH một thành viên Vận tải biển Viễn dương Vinashin nhập khẩu từ Italia vào cuối năm 2007.
Mục đích của việc đầu tư con tàu là để chở hành khách, ô tô trên tuyến Bắc – Trung – Nam bằng đường biển.
“Tuy nhiên, tàu Hoa Sen được nhập về đúng lúc ngành vận tải trên thế giới và trong nước ngặp khó khăn. Giá cước bị giảm mạnh nên việc đầu tư không mang lại hiệu quả. Việc này, công ty, mà ở đây là HĐQT của công ty phải chịu trách nhiệm. Bộ chỉ quản lý về mặt kỹ thuật, Khi biết thông tin, biết công ty định đầu tư thêm, chúng tôi đã can thiệp, yêu cầu công ty này phải nghiên cứu lại. Về phương án xử lý, chúng tôi đã xây dựng vài phương án nhưng bây giờ chưa thể công bố” – ông Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.
Trong Công văn số 3664/BGTVT/TC, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết thêm, trong quá trình đưa con tàu vào khai thác, mặc dù Công ty TNHH một thành viên Vận tải biển viễn dương Vinashin đã tiến hành quảng bá, liên kết với các đơn vị du lịch trong nước, và tiếp cận với các chủ xe tải thường xuyên chạy tuyến Bắc – Nam nhưng việc khai thác không đạt công xuất thiết kế, không đem lại hiệu quả. Từ đầu năm 2009, tàu Hoa Sen đã tạm dừng khai thác.
Đại biểu quốc hội chất vấn tại hội trường |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh (đoàn Quảng Nam) về định hướng phát triển giao thông miền núi trong thời gian tới để đảm bảo chất lượng lâu dài, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ Giao thông – Vận tải đã hoàn thành Đề án “Cập nhật và hoàn thành chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam” được thực hiện từ năm 2005 – 2007, trong đó nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là tiếp tục đầu tư, phát triển bền vững giao thông nông thôn. Nâng cấp và xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn. Đảm bảo 50 – 60% đường giao thông nông thôn (đường cấp huyện - xã) được rải nhựa hoặc bê tông hóa. 100% đường giao thông nông thôn đi lại được quanh năm, xóa bỏ cầu khỉ ở đồng bằng Sông Cửu Long…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) về các biện pháp để tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, năm 2007, để giảm tai nạn giao thông, Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp với các Bộ, ngành đã đề xuất, báo cáo Chính phủ thông qua Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc với 7 nhóm giải pháp là: nâng cao tuyên truyền, giáo dục luật TTATGT; tăng cường cưỡng chế thi hành luật về TTATGT; nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống hạ tầng giao thông, xóa các điểm đen, giải tỏa lập lại trật tự hành lang ATGT; tăng cường kiểm định chất lượng xe cơ giới; nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, cấp giấy phép lái xe; giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra như: buộc đội mũ bảo hiểm, lập các trạm sơ cứu, cấp cứu TNGT dọc các quốc lộ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT…
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, về xử lý các hành vi liên quan đến sử dụng bia, rượu nhìn chung mức xử phạt cho các trường hợp vi phạm đã đủ sức răn đe, phù hợp với điền kiện hiện nay ở nước ta.
Cụ thể, đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng – 800.000 đồng với người điều khiển ô tô, các loại xe tương tự ô tô; phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng. Đối với các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày với người điều khiển xe ô tô; phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) 30 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng; phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng đối với điều khiển xe moto, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe moto, xe gắn máy. Đối với các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày với người điều khiển xe ô tô; phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) 60 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng; phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng, tước quyền giấy phép lái xe 30 ngày và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày đối với điều khiển xe moto, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe moto, xe gắn máy. |
Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, các lực lượng có trách nhiệm thực hiện công tác cưỡng chế đang được tăng cường trang bị, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn để phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Quang Anh