(GD&TĐ) - Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu cứ duy trì tăng trưởng kinh tế như hiện nay, năm 2016 thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt Mỹ về sức mua tương đương. Đây là sự kiện hết sức quan trọng. Nếu như vào năm 1980, khi kinh tế Mỹ chiếm tới 25% sản lượng thế giới, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu chỉ là 2,2%. Vậy mà chỉ sau hơn 30 năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc, giờ đây họ đã là một quốc gia có lượng ngoại tệ dự trữ lớn nhất thế giới. Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, lẽ ra Trung Quốc phải xây dựng cho mình một hình ảnh của một quốc gia đầy trách nhiệm và uy tín trên trường quốc tế, tuy nhiên, họ đã mắc phải những sai lầm hết sức nghiêm trọng. Âm mưu và hành động độc chiếm biển Đông rất có thể sẽ làm Trung Quốc mất tất cả.
Phillipine biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở biển Đông |
Những hành động khó chấp nhận
Trước hết phải kể đến vụ Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc hồi tháng 9/2010 ở khu vực gần đảo Senkaku, nơi Tokyo tuyên bố chủ quyền đã đẩy quan hệ hai nước trở nên hết sức căng thẳng. Trước áp lực ghê gớm từ phía Trung Quốc và để giữ mối quan hệ thương mại lớn nhất của mình, Nhật Bản xuống thang bằng cách thả thuyền trưởng người Trung Quốc. Bắc Kinh mừng vui khôn xiết, tuy nhiên họ lại theo logic "được đằng chân lân đằng đầu" tiếp tục đòi Tokyo phải chính thức xin lỗi. Với Hàn Quốc, để đáp trả nước này đã cử đại sứ của họ đến dự buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình cho nhân vật chống đối Lưu Hiểu Ba, Bắc Kinh im lặng sau vụ CHDCND Triều Tiên nã pháo làm chết một dân thường Hàn Quốc vào tháng 9/2010. Trung Quốc cũng gây căng thẳng với Ấn Độ khi nước này từ chối cấp thị thực cho các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Sau đó Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo có những động tác xoa dịu khi gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sing, nhưng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã thực sự làm người Ấn mất lòng tin.
Tuy nhiên, quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN gần đây mới thực sự là "giọt nước tràn li". Trên các diễn đàn, các hội nghị, Trung Quốc luôn khẳng định rằng nước này sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác với tất cả các nước và không có ý định đe dọa bất cứ nước nào, tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy. Cách đây chưa lâu, tàu Hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên cắt cáp khảo sát tàu Viking II và tàu Bình Minh 2 khi chúng đang hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc dùng chiến thuật "lấy thịt đè người" uy hiếp Phillipine trong cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough. Gần đây nhất, Công ty dầu khí hải dương của Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; ngang nhiên thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh gây áp lực lên Campuchia nhằm ngăn chặn việc thảo luận về vấn đề biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 4 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7 năm nay. Kết quả là trong 45 năm lịch sử của mình, lần đầu tiên ASEAN không ra được tuyên bố chung. Đây là hành động ngang ngược bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, đẩy mâu thuẫn chủ quyền trên biển đông ngày một leo thang.
Mất lòng tin là mất tất cả
Chưa bao giờ, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế lại thảm hại như những ngày này. Bắc Kinh đã đánh mất lòng tin mà mất lòng tin là mất tất cả. Ở châu Á, Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ, khiêu khích với hầu hết các nước láng giềng. Trong cơn bĩ cực- hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài, châu Âu nhìn hành động "trợ giúp" của Trung Quốc với ánh mắt đầy nghi hoặc. Với châu Phi, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở châu lục này, tuy nhiên, thời gian gần đây, uy tín của Trung Quốc ở châu lục bị giảm sút nghiêm trọng. Dư luận đang nói nhiều về mặt trái của hợp tác Trung-Phi, khi ngày càng có nhiều chỉ trích rằng Trung Quốc chỉ biết trục lợi bằng lối đầu tư thiếu minh bạch, cách điều hành kém cỏi, không phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Làn sóng phản đối các nhà đầu tư Trung Quốc ở châu Phi đang gia tăng. Không ít các quốc gia châu Phi đã công khai chỉ trích cán cân thương mại giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung-Phi ở Bắc Kinh mới đây, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma khẳng định: "Mô hình thương mại hiện tại không bền vững trong dài hạn". Cách đây chưa lâu, một ông chủ người Trung Quốc đã bị các thợ mỏ Zambia đánh chết. Theo "Le Monde" thì đây không còn là hiện tượng cá biệt. Ngay việc phá kỷ lục thế giới của vận động viên Trung Quốc Ye Shiwen tại Olympic London cũng bị nghi hoặc rằng “không thể tin được” hoặc “đáng lo ngại”. Bức xúc trước việc này, truyền thông Trung Quốc phải kêu lên: Michael Phelps đoạt 8 HCV bơi lội ở Olympic Bắc Kinh thì không ai nói gì, đằng này...
Tuy nhiên, điều làm giới phân tích chú ý nhất rằng nỗi lo ngại và thiếu lòng tin với Trung Quốc đang hiển hiện ở Nga, nước đồng minh thân cận của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ngày 9/8, Thủ tướng Nga D.Medvedev đã đưa ra cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông giàu tài nguyên và kêu gọi Moskva phải nhanh chóng bảo vệ khu vực này trước "sự bành trướng quá đáng của các quốc gia láng giềng". Thực ra, lo ngại về đe dọa bành trướng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông xa xôi, thưa thớt dân cư đã được người Nga cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, tuyên bố của D.Medvedev vừa rồi là cảnh báo của một lãnh đạo cao cấp nhất ở Nga, cho thấy những lo ngại thực sự của điện Kremlin trước dòng người nhập cư từ Trung Quốc tới Viễn Đông và Siberia. Cảnh báo của D.Medvedev chứng tỏ, đồng minh thân thiện nhất của Trung Quốc cũng đã nhận ra và sẽ cảnh giác với âm mưu bành trướng của họ. Lấn chiếm biển Đông Trung Quốc mất nhiều hơn được. Giờ đây, một hình ảnh Trung Quốc hùng mạnh, giàu có, thân thiện và tin tưởng sẽ được nhìn lại với hình ảnh của một Trung Quốc thất tín, tham lam và cực kỳ nguy hiểm. Nói như các nhà phân tích, hành động "ném đá xuống biển Đông" đã đặt Trung Quốc vào cảnh "trên đe dưới búa".
Anh Phương