"Kẻ chạy trốn" đã có bến đậu

"Kẻ chạy trốn" đã có bến đậu

(GD&TĐ) - Cả tháng nay, cuộc chạy trốn của “kẻ phản bội” nước Mỹ Edward Snowden đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Edward Snowden sẽ đi về đâu? Nước nào sẽ tiếp nhận? Ngày 6/7, bất chấp những thách thức từ phía Mỹ, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố sẵn sàng cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden. Trước đó, ngày 5/7, Venezuela và Nicaragua cũng lên tiếng cấp tị nạn chính trị cho “kẻ chạy trốn”.

“Kẻ chạy trốn” không cô đơn

Để chạy trốn trừng phạt của Washington, cách đây chưa lâu, Snowden đã xin tị nạn chính trị ở 21 quốc gia. Ngày 5/7, trang web của Wikileaks cho biết, Snowden tiếp tục xin tị nạn ở 6 quốc gia nữa, nâng tổng số lên gần 27 nước. Trong số này, có nước im lặng, có nước thẳng thừng khước từ, có nước chối khéo bằng điều kiện bắt buộc rằng Snowden phải hiện diện trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Mỹ - Latinh không nằm trong số đó. Sự kiện sáng 3/7, khi các nước châu Âu đóng cửa không phận và ép máy bay của Tổng thống Bolivia Evo Morales trên hành trình Moskva - La Paz phải hạ cánh khẩn cấp xuống Vienna (Áo) để kiểm tra vì nghi có Edward Snowden trên đó như giọt nước tràn li. Ngày 4/7, các nước thuộc Liên minh các quốc gia Mỹ - Latinh (UNASUR) đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp tại thành phố Cochabamba để phản đối Mỹ và các nước châu Âu. Tại đây, ý tưởng cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden được củng cố. Và chuyện phải đến đã đến.

Ngày 5/7, phát biểu tại lễ kỷ niệm 202 năm ngày độc lập của Venezuela, Tổng thống Nikolas Maduro tuyên bố: “Là người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước Venezuela, tôi quyết định cấp tị nạn nhân đạo cho công dân Mỹ trẻ tuổi Edward Snowden, để anh ấy có thể đến với đất nước của Bolivar, của Chavez, sống và tránh sự đàn áp của đế quốc Mỹ”.

Trước đó không lâu, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cũng ra tuyên bố rằng chính phủ của ông sẵn sàng cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden, nếu “tình hình cho phép”. “Chúng tôi công khai và tôn trọng quyền tị nạn chính trị. Rõ ràng, nếu tình hình cho phép, chúng tôi sẵn sàng đón nhận Snowden để anh ấy ở đây, ở Nicaragua” - Daniel Ortega nói.

Không chỉ có Venezuela và Nicaragua, ngày 6/7, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố sẵn sàng cấp tị nạn chính trị cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden nếu nhận được đề nghị - Reuters đưa tin. Như vậy, đến thời điểm này đã có 3 nước công khai cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và Tổng thống Bolivia Evo Morales đều tuyên bố cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và Tổng thống Bolivia Evo Morales đều tuyên bố cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden

Edward Snowden sẽ đến đâu?

Thủ lĩnh phe đối lập ở Venezuela Henrique Capriles kịch liệt phản đối tuyên bố cấp tị nạn chính trị cho Snowden của Tổng thống Nicolas Maduro. Trên Twitter của mình, Capriles cho rằng “vụ bê bối với chủ đề tị nạn có thể tiềm ẩn thảm họa đối với chính phủ hiện tại”. Cũng theo lời Capriles, sáng kiến của Nicolas Maduro không giúp giải quyết được những vấn đề mà Venezuela đang phải đối mặt. “Tị nạn không giải quyết được thảm họa kinh tế, lạm phát đang lập kỷ lục, sự bất ổn và tình trạng khan hiếm hàng hóa”- Capriles nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov cho rằng, ẩn náu ở Venezuela là lựa chọn tốt nhất cho Snowden. Lý giải điều này, Pushkov khẳng định rằng Venezuela đang xung đột với Mỹ và quan hệ giữa hai nước không thể tồi hơn được nữa.

Edward Snowden hiện đang ở gian quá cảnh của sân bay “Seremetyevo” (Moskva). Vào thời điểm hiện tại, chưa rõ Snowden sẽ chấp thuận đến tị nạn chính trị ở đâu và anh ta sẽ đến bằng cách nào trước sự vây ráp của Mỹ?

Trong khi đó, truyền thông Nicaragua đăng tải bức thư của Edward Snowden trên trang web của Radio Ya có nội dung: “Tôi, Edward Snowden, công dân Mỹ, xin tị nạn tại Cộng hoà Nicaragua vì liên quan đến nguy cơ bị Mỹ truy tố... Tôi phải đối mặt với án chung thân hoặc tử hình”. Vào thời điểm hiện tại chính quyền Venezuela vẫn chưa nhận được yêu cầu xin tị nạn của Snowden tại nước này.

Mặc cho nước Nga không nằm trong danh sách các quốc gia mà Snowden muốn đến, việc “kẻ chạy trốn” tá túc quá dài ngày trong khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo và V.Putin tuyên bố không dẫn độ anh ta về Mỹ đã tổn hại không nhỏ đến mối quan hệ Nga - Mỹ. Thứ sáu (5/7), Báo The New York Times trích nguồn tin từ quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Tổng thống Barack Obama có thể huỷ chuyến thăm Nga vào đêm trước Hội nghị Thượng đỉnh G-20 dự kiến tổ chức vào tháng 9 năm nay.

Ngày 8/7, báo “Kommersant” (Nga) trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nước này cho biết, rất có thể Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thay Obama đến Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20. Căng thẳng hơn, ngày 7/7, Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi “hãy ném cái nút tái khỏi động đi” (Tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ). Edward Snowden sẽ đi đâu? Câu hỏi này chắc chắn sẽ được trả lời trong thời gian không xa.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.