(GD&TĐ) - Ông Nạ Văn Siêng dân tộc Khơ Mú, ở bản Phiêng Muông A, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên tuy nhà đông người (có 8 người con); ruộng, nương ít nhưng ông hai lần tình nguyện hiến 2.500m2 đất cho trường Tiểu học và THCS xã Pú Hồng.
Động lực gì đã khiến ông làm như vậy? Ông đã nói với tôi: “trên mảnh đất ấy hàng năm ông thu hơn một tấn ngô, nhưng giờ gieo con chữ thì mai này cho thu gấp trăm gấp nghìn lần...”
Mảnh đất lần thứ nhất ông Siêng hiến làm nhà bán trú |
Chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện uỷ và lãnh đạo xã Pú Hồng về thăm Trường Tiểu học và THCS Pú Hồng. Đồng chí Đỗ Văn Ruẫn - Bí thư huyện uỷ cứ nhắc đi nhắc lại mãi: “ông Siêng thật là con người có tấm lòng vàng, huyện đang chuẩn bị đầu tư xây dựng trường mới, để chia tách Tiểu học và THCS, quỹ đất không có, nếu ông Siêng không hiến đất thì không biết xoay sở thế nào...”
Qua câu chuyện, tôi được biết ông sinh ra trong cảnh nghèo khó, trước kia không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1971, ông nhập ngũ vào bộ đội Biên phòng, bàn chân ông đã đặt lên hầu hết vùng biên của (tỉnh Lai Châu cũ), vì vậy ông càng hiểu rõ hơn những nhọc nhằn của bà con ở vùng sâu, vùng xa, vất vả vậy mà vẫn nghèo, vẫn đói. Nhìn những đứa trẻ nghèo hàng ngày phải băng đèo, lội suối hơn 20 cây số đến trường học chữ, chỗ ăn chỗ ở không có. Nhà trường không có đất để dựng nhà bán trú cho các em.
Ông Nạ Văn Siêng chỉ tôi xem mảnh đất thứ 2 ông hiến cho trường |
Ông cảm thấy như mình là người có lỗi, khi có những em quá vất vả không chịu được đã “bỏ học giữa chừng”.
Vì nhà ông có mảnh đất nương ngay cạnh trường học, ông nói: “nhà tôi có 8 đứa con chúng nó cũng phải đi học xa, nhìn những đứa trẻ, thật sự tôi rất xót xa!”. Thế rồi, ông đi đến quyết định hiến một nửa mảnh đất cho trường để dựng nhà bán trú.
Ông bảo: “giờ đây nhìn vào mảnh đất ông hiến cho trường thấy những đứa trẻ lam lũ có được mái nhà để ở “nuôi con chữ” có vườn rau để cải thiện bữa ăn. Chúng miệt mài chăm chỉ học, mà vui lắm! Vui gấp bội phần những mùa bội thu, có đói cũng mát lòng, mát dạ”
Đấy là ông kể về lần hiến đất đầu tiên, còn quyết định hiến nốt diện tích đất còn lại bắt nguồn từ cảnh thấy con trẻ phải học chung trường học 2 ca mà chỗ ngồi chật chội, sân chơi, bãi tập không có, nên khi nghe các thầy cô và cán bộ xã nói, huyện đang có chủ trương xây trường mới để chia, tách 2 trường; Ông đã đến thẳng UBND xã, làm thủ tục hiến toàn bộ số đất, với tổng diện tích 2.500m2 cho trường. Khi xong ông mới cho gia đình biết.
Tôi hỏi ông: ông không ngại gia đình phản đối à? Nở nụ cười ông nói: bà nhà tôi còn đòi bỏ tôi nhưng tôi biết là bà ấy đùa thôi! Bà ấy cũng tốt lắm, giờ thì mọi người ai cũng vui vì tương lai mai sau mà!
Quê ông giờ đây sự nghiệp Giáo dục ngày càng phát triển, khác thời ông xa lắm. Ông nhận ra rằng mai này thế hệ con cháu sẽ làm rạng danh, đổi thay vùng đất nghèo khó này.
Phạm Kiên Cường