"Giải pháp duy nhất" để huy động 100% HS đến trường

"Giải pháp duy nhất" để huy động 100% HS đến trường

(GD&TĐ) - Việc duy trì sĩ số học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa luôn là thách thách lớn, khó khăn của cấp quản lý giáo dục. Gian nan, vất vả nhất  là những người thầy, cô mỗi khi có học sinh bỏ học lại phải lặn lội, vận động các em trở lại trường. Nhưng làm thế nào giữ chân các em ở lại yên tâm học tập thì là cả một vấn đề.

Như lời thầy Trần Văn Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phình Giàng tâm sự: “ngoài tấm lòng nhiệt huyết của thầy cô, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.”

Khu nhà bán trú của trường mới được đưa vào sử dụng tháng 2/2011
Khu nhà bán trú của trường mới được đưa vào sử dụng tháng 2/2011

Chờ có gạo mới đến trường học chữ

Cũng như nhiều trường vùng khó khăn khác, thầy cô ở Trường Tiểu học Phình Giàng, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chỉ lo học sinh bỏ học.

Thầy Trần Văn Hiệp Hiệu, Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ trăn trở : Giờ nhà trường yên tâm về chỗ học của 423 em học sinh, trường mới được xây dựng khang trang không phải chịu cảnh mưa dột, nắng hắt như những năm học trước nữa. Nhưng còn một nỗi lo luôn thường trực, canh cánh trong lòng thầy cô là hiện trạng học sinh bỏ học. Học kỳ I có 3 em bỏ, không thể vận động các em quay lại.

Khó khăn nhất của nhà trường hiện nay là 35 học sinh bán trú dân tộc Khơ Mú, ở bản Huổi Dụa và Phá Khẩu. Năm học nào cũng vậy bắt đầu từ tháng 9 - 12, các em đến trường học đầy đủ, nhưng từ tháng 1 trở đi thì bắt đầu có hiện tượng bỏ học, nguyên nhân chính là do nhà hết gạo không có mang đi ăn.

Giáo viên có thời điểm, đóng góp mỗi người 50.000 đồng/tháng giúp đỡ các em, nhưng cũng chỉ 1 tháng 2 tháng, chứ không thể tháng nào cũng đóng góp được. Do vậy, các em nghỉ học thầy cô vận động xuống thì chỉ được thời gian ngắn lại bỏ về. Thầy Hiệp kể cho tôi nghe câu chuyện đi vận động học sinh, khi vận động được các em quay lại trường rồi, mà vẫn chỉ có thầy về, còn học sinh lại phải chờ đến mùa có gạo mới trở lại trường.

Ở bản vùng cao và nhất là 2 bản Huổi Dụa và Phá Khẩu, một năm các gia đình chỉ có gạo ăn đủ 3 tháng. Những em học sinh bỏ học, thầy cô kiên trì thuyết phục gia đình đồng ý cho quay lại trường, nhưng với điều kiện phải nuôi các em; lúc ấy chỉ biết ngậm ngùi, lủi thủi quay về, vì biết rằng “lực bất tòng tâm”. Trong những câu chuyện kể về hành trình đi tìm học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh có 11 năm công tác tại trường, kể lại: có lẽ, cô không bao giờ quên kỷ niệm năm 2007, khi cô chủ nhiệm lớp 5 có một em học sinh ở bản Phá Khẩu bỏ học. Cô lên bản ở lại nửa ngày vận động, khi gia đình đồng ý thì em đó nhất định không về trường, chạy vào trong rừng và nói, nếu cô cứ bắt đi học thì ăn lá ngón chết. Cô tìm hiểu nguyên nhân được biết, em học sinh ấy chỉ có duy nhất một cái quần, xuống học bị bạn trêu chọc lên bỏ học.

Hành trình các thầy cô đi vận động học sinh.
Hành trình các thầy cô đi vận động học sinh.

"Giải pháp duy nhất"

Mới đây chúng tôi về Trường Tiểu học Phình Giàng, các thầy cô đang tất bật chuẩn bị hoàn tất, tổ chức nấu ăn bán trú cho các em học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể giáo viên, công nhân viên với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vất vả... để duy trì 100% sĩ số vào học kỳ II năm học này. Không để tình trạng học sinh  bỏ học vì không có gạo ăn.

Hiện nhà trường đã mua đầy đủ xoong nồi, bát đĩa... còn nấu ăn phân chia giáo viên kết hợp với tạp vụ thay đổi nhau. Quan trọng nhất vẫn là nguồn kinh phí lo cho bữa ăn của 35 học sinh, nhà trường nhờ xã giúp đỡ một phần. Kêu gọi các nhà hảo tâm, đóng góp của thầy cô trong nhà trường và phụ huynh học sinh.

Dẫn tôi đi xem khoảng đất trống sau khu nhà bán trú, ngày sắp tới sẽ là vườn rau, thầy Hiệp tâm sự: khó khăn thì thầy trò cùng chia sẻ, tăng gia trồng cây rau cải thiện bữa ăn cho các em, tình cảm thầy trò càng gắn kết, giáo dục các em yêu lao động.

Theo thầy Hiệp, nhà trường lo toàn bộ bữa ăn cho học sinh thực sự không đơn giản chút nào. Nhưng thực trạng học sinh ở đây bao năm nay không thể khắc phục được, chỉ còn duy nhất giải pháp này mới đảm bảo được sĩ số. Thuận lợi của nhà trường là khi đề xuất đã được sự quan tâm giúp đỡ của  UBND xã, những phụ huynh  có điều kiện, tuy con em họ không ăn bán trú nhưng vẫn tạo điều kiện đóng góp.

Trong không khí chuẩn  bị tất bật, tiếng cười của cả thầy và trò vang lan giữa đại ngàn. Các thầy cô tràn đầy quyết tâm và tự tin bằng hành động thiết thực này sẽ huy động được 100% học sinh đến trường  bền vững.

Phạm Kiên Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ