(GD&TĐ) - Vừa qua, trên một số mạng đã đăng tải bài viết về Gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) “lấy giống” từ gà Trung Quốc thải loại với những thông tin mang tính tiêu cực, thiếu kiểm chứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Gà đồi Yên Thế. Những hoang tin này gây hại trực tiếp đến đời sống của hơn 17 nghìn hộ dân nuôi gà và hàng nghìn người làm các công việc liên quan khác ở địa phương này.
Hoang tin
Ông Phạm Công Vân, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo sản xuất, cung ứng và tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho biết: Đến hết tháng chín, tổng đàn gà trên địa bàn đạt 4.262.850 con, trong đó vừa nuôi mới (dưới bảy ngày tuổi) 380 nghìn con. Gà giống chủ yếu là Mía lai, Ri lai được ấp nở tại huyện và nhập từ một số địa phương lân cận. Tuần cuối cùng của tháng, sản phẩm tiêu thụ gần 334 nghìn con (riêng địa bàn Hà Nội là 245 nghìn con), giá gà lông dao động từ 55 - 60 nghìn/kg.
Như vậy, tính cả số lượng vào chuồng, xuất bán và giá bán sản phẩm đều có sự tăng nhẹ so với tuần trước cũng như cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi vào giống chuẩn bị gà bán Tết nên các hoạt động diễn ra khá rầm rộ. Theo ông Vân, tùy thuộc thời điểm, sự điều tiết thị trường và yêu cầu kỹ thuật mà người chăn nuôi vào giống gà nhiều hay ít và khẳng định không có chuyện Gà đồi Yên Thế "sóng gió", người nuôi treo chuồng cũng như một số thông tin khác như bài báo nêu.
Trong khi đó, một số hộ chăn nuôi gà như anh Nguyễn Xuân Hiếu, anh Đỗ Danh Hải, chị Thân Thị Nghiên, ở thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm, tỏ ra bất ngờ, bất bình về những thông tin đăng tải ở bài viết nêu trên.
Anh Hiếu khẳng định: Với kinh nghiệm của một trong những hộ nuôi gà hàng hóa đầu tiên của huyện, tôi chắc chắn chưa bao giờ có chuyện người nuôi gà làm nghề như chúng tôi treo chuồng, có chăng chỉ là số rất nhỏ hộ nuôi thời vụ. Cũng không bao giờ có ai dại đến mức lấy gà thải loại Trung Quốc để nhái gà nhà bởi rủi ro cho đàn gà là cực lớn. Rồi còn sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, sự lên án, tẩy chay của các hộ chăn nuôi xung quanh.
Đại diện hộ ấp giống Cam - Thắm ở Đồng Tâm cho biết: Đây là thời điểm người chăn nuôi gà vào đàn nhiều, gà giống không đủ bán nhưng bảo gà "năm cha ba mẹ, gà giống Trung Quốc" thì rất vô căn cứ, chủ quan và thiếu cả hiểu biết cơ bản về nghề chăn nuôi gà.
Anh Quân, một tư thương ở xã Phồn Xương chuyên "chạy" gà Yên Thế đi thị trường Hà Nội khẳng định: Nhiều tháng qua tôi chưa bao giờ chuyển gà đi Hà Nội dưới 500 con/ngày. Mối hàng tôi cung cấp luôn ổn định vì bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn ngay cả thời điểm tháng 6, 7 là lúc đàn vịt ở các nơi xuất bán nhiều.
Đại diện các công ty chế biến và phân phối gà đồi Yên Thế như Giang Sơn, Trường Anh... cho biết sản lượng gà đã qua chế biến thời gian qua tương đối ổn định, không có hiện tượng ế ẩm do sản phẩm xuất bán luôn bảo đảm chất lượng và được nghiên cứu thị trường tốt. Tuy có thời điểm sản lượng thấp hơn là khoảng tháng 6, 7 đàn vịt ở các địa phương xuất bán ra nhiều và người chăn nuôi gà cũng được sự điều tiết của cơ quan chức năng nên hạn chế vào chuồng.
Người dân Yên Thế đang hoang mang với tương lai thương hiệu gà đồi. Ảnh: K.S |
Đừng vô trách nhiệm
Đại diện của doanh nghiệp này cũng cho biết, đối với doanh nghiệp phát ngôn không nhập sản phẩm gà Yên Thế như trong bài báo dẫn chứng là không chính xác. Đơn vị đó, sau vụ thua kiện vi phạm nhãn hiệu thương hiệu Gà đồi Yên Thế đã không còn tư cách kinh doanh gà Yên Thế, sản phẩm của đơn vị này là hàng "nhái" gà đồi Yên Thế nên việc nhập bán, sụt giảm, ế ẩm... hay không không thể nói thay gà đồi Yên Thế được.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Thạch Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế khẳng định: Thương hiệu Gà đồi Yên Thế đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, địa phương đã và đang làm hết sức để bảo vệ nhãn hiệu này để bảo đảm quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng. Cuối năm 2012, nhãn hiệu được chứng nhận "Sản phẩm tin cậy" của Trung ương Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam. Mới đây sản phẩm lọt vào TOP 100 Thương hiệu tin dùng Thủ đô của Liên hiệp các Hội KH - KT Hà Nội.
UBND huyện cũng phối hợp tốt với các ngành chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc kiểm soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thương hiệu, chấn chỉnh các hoạt động giết mổ, vận chuyển gà trong và ngoài địa bàn.
Như vậy, Gà đồi Yên Thế - vẫn đang được chấp nhận rộng rãi trên thị trường, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Đời sống của các hộ dân chăn nuôi gà tại Yên Thế được bảo đảm và ngày càng được nâng cao nhờ hướng đi đúng và quyết liệt của địa phương. Sự việc nêu trên làm cho chúng ta nhớ lại sự kiện cách đây vài năm, một số thông tin thất thiệt về Vải thiều Lục Ngạn gây ung thư khiến người trồng vải điêu đứng.
Mặc dù sau đó thông tin được xác minh, kiểm chứng nhưng cũng đã làm thiệt hại hàng tỷ đồng. Gà đồi Yên Thế cũng vậy, dù chưa gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng phía sau vài thông tin thất thiệt, thiếu trách nhiệm kia là đời sống của hàng chục nghìn hộ dân, của một ngành sản xuất và một thương hiệu đầy hứa hẹn "Vì sự an toàn cho người tiêu dùng Việt".
Khánh Sơn - Việt Dũng