"Đừng dừng lại khi chưa đi đến!"

"Đừng dừng lại khi chưa đi đến!"

(GD&TĐ) - Chúng tôi tìm đến nhà cậu sinh viên Trần Văn Thanh Tâm (Lớp Đại học Xây dựng 10 - Khoa Xây dựng) vào một buổi trưa nắng gắt.

Vừa tới đầu ngõ, chúng tôi đã nghe tiếng “loảng xoảng” của mảnh vỡ thủy tinh. Giọng mẹ Tâm hốt hoảng: “Con ôm anh hai lại mau. Nó lên cơn đập bể đồ đạc nữa rồi…!”. Nhanh chóng, Tâm chạy đến vào nắm chặt tay anh Hai rồi khuyên: “Anh Hai ngoan! Ngồi xuống chơi với em nè! ”. Vừa nói, Tâm vừa kéo anh trai mình ngồi xuống bên cạnh.

Căn nhà nhỏ của cậu sinh viên Trần Văn Thanh Tâm ở tại ấp 4 xã Tam Hiệp - Châu Thành -Tiền Giang. Nhà em có 5 thành viên. Cả cha, mẹ của em đều đã gần 60 tuổi. Kinh tế gia đình chỉ trông vào nghề vác gạo thuê của cha Tâm (chú Trần Văn Nhân – sinh 1958) và nghề làm cỏ, chặt củi thuê của mẹ Tâm (cô Nguyễn Thị Bông – sinh 1955). Riêng người anh thứ hai (Trần Văn Nghĩa – sinh 1991), bị bệnh tâm thần (di chứng của bệnh tim), chỉ biết cười nói ngây ngô một mình như một đứa trẻ. Còn cô em gái Út (Trần Thị Thanh Thảo) thì đang học lớp 12 của Trường THPT Tân Hiệp. 

Sơn
Tâm - thứ 2 bên trái - tiếp đến là anh trai bị bệnh, mẹ và em gái Tâm

Năm 2008, anh Hai của Tâm bị bệnh tim. Vì không có tiền chữa trị đến nơi, đến chốn. Bệnh của anh Tâm chuyển biến sang bệnh tâm thần. Những lúc lên cơn, anh Hai của Tâm đều đập phá hết mọi đồ đạc trong nhà từ cái ly đến cái xoang nấu cơm. Có những lúc lên cơn nặng, anh Hai của Tâm bỏ nhà đi làm cha mẹ và Tâm phải đi kiếm đến phát sốt. 

Mẹ Tâm kể với chúng tôi: “Điều đáng sợ hơn, những lúc trời nắng thì anh Hai của Tâm hay lên cơn. Nó thường còn đập phá nhà cửa. Lúc trước nhà có cái ti vi của cô Sáu cho để xem cải lương, nhưng khi nó phát bệnh đã đập nát, rồi chén, đĩa, ly uống nước và những thứ đồ dùng khác cũng chiệu chung số phận. Có lần nửa đêm, nó còn giật cầu giao điện phá cầu chì.”

Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, nên từ nhỏ Tâm đã có tính tự lập, cố gắng nỗ lực trong học tập rất cao. Suốt những năm học phổ thông, Tâm luôn là học sinh khá giỏi toàn diện và nhận về không ít phần thưởng.

Sơn
Những tấm bằng khen của Tâm

Năm 2010, Tâm thi đỗ vào ngành Kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học Tiền Giang. Bước chân vào giảng đường, Tâm nhanh chóng gõ cửa khắp mọi nơi để kiếm việc làm thêm. Thời gian biểu một ngày của Tâm dày đặc công việc: 4 giờ sáng, thức dậy xem bài, đọc sách, dọn dẹp nhà và lo bữa sáng cho anh Hai. 6 giờ 30 phút đến trường học. Nhà cách trường 30 phút đạp xe nên buổi trưa Tâm phải ở lại trường. Chiều, ghé qua thư viện trường để đọc báo, tham khảo tài liệu hoặc có khi là sang phòng trọ của các bạn để trao đổi bài học. Tối, đi phụ bưng bê cà phê cafe kiếm tiền trang trải cho việc học để đỡ gánh nặng cho gia đình. Khuya: học bài... Bộn bề việc, nhưng ở Khoa hay trường hay có tổ chức các hoạt động hay phong trào gì, Tâm vẫn dành thời gian để tham gia. 

Nhưng cuộc sống con nhà nghèo như con sông có nhiều nhánh rẽ. Tai họa đã tiếp tục ập xuống tổ ấm bé nhỏ của Tâm. Vào 15/2/2012, trong lúc vác gạo, cha Tâm bị té gẫy chân phải chữa trị lâu dài. Cảnh nhà đã khó khăn lại càng thêm khó.

Cầm bệnh án của anh hai Tâm, mẹ Tâm trầm ngâm: “Từ lúc anh của Tâm bị bệnh, cô cũng đã vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con. Đến nay, tôi đã vay trên 40 triệu đồng rồi. Bệnh tình của nó chưa thuyên giảm thì chú lại bị tai nạn gẫy chân. Mọi gánh nặng đều dồn lên vai của cô. Cô không biết mình chóng chọi được tới đâu nữa! Nếu cô nằm xuống như chú thì….không biết anh em của nó ra sao nữa”. Câu nói đứt quãng của cô như một lời thảng thốt.

Sinh viên Nguyễn Văn Nghĩa – bạn chung lớp Tâm nói: “Dù gia đình khó khăn như vậy, nhưng suốt những năm học từ phổ thông đến đại học, Tâm học rất chăm, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Kết quả học tập gần đây nhất của Tâm là: 3.09. Ngoài ra, Tâm đã đạt được một số học bổng đáng khích lệ như: Chấp cánh ước mơ năm 2011 (Báo Ấp Bắc), Học bổng vì tương lai (Nhóm Vì tương lai)”

Cô Trừ Thị Từ – Chuyên viên khoa Xây dựng, cho biết: “Trần Văn Thanh Tâm là một em sinh viên rất đặc biệt. Dù gia đình khó khăn (có những lúc em ngất xỉu trong lớp vì đói bụng!) nhưng em vẫn học tập và tham gia các phong trào rất tốt. Đối với bạn bè, em rất hòa nhã và sẵn sàng giúp đỡ hết mình khi bạn cần.Tâm là một gương sáng để các em sinh viên khác noi theo!”

Nói về ước mơ của mình, Tâm chia sẻ: “Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, để ra trường tìm được một  công việc ổn định. Em sẽ lo chữa bệnh cho anh Hai, lo cho bé Út học và xây cho cha mẹ một ngôi nhà nho nhỏ,…” 

Chia tay gia đình Tâm, chúng tôi sẽ nhớ mãi câu châm ngôn sống được xem là điểm tựa của em: “Đừng dừng lại khi chưa đi đến!”. Chúng tôi rất cảm động trước tinh thần hiếu học và sự vượt khó vươn lên của em. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại và bệnh tình của anh Hai và cha Tâm kéo dài thì việc học hành cũng như cuộc sống của hai anh Tâm rồi cũng chẳng biết ra sao?

Thông qua bài viết này, rất mong các nhà hảo tâm gần xa hãy chia sẻ với em Tâm! Mọi chi tiết xin liên hệ: Trần Văn Thanh Tâm: số 583 - ấp 4 xã Tam Hiệp - Châu Thành -Tiền Giang hay thầy Vĩnh Sơn: 0938 940 588 (Văn Phòng Đoàn)

Vĩnh Sơn, Thanh Nghĩa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ