(GD&TĐ) - Lâu nay, em và các bạn cứ sống theo một thói quen. Nhưng, sau khi đặt bút viết bài thi Văn năm nay, em như “bừng tỉnh”, thấy rằng, cách sống của mình thật nguy hiểm, có thể tụt hậu bất cứ khi nào... Đó là tâm sự chân thành của nhiều thí sinh thi khối D sau môn Ngữ văn sáng nay (10/7).
Phấn chấn sau môn thi cuối cùng. Ảnh: gdtd.vn |
Đề thi Văn khối D năm nay rơi vào những cái tên quen thuộc: “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, “Vội vàng” - Xuân Diệu, “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu. Nhưng, điểm nhấn của đề nằm ở câu nghị luận xã hội 3 điểm. Câu hỏi như sau:
“Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét:
Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
(John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr.113)
Thí sinh Nguyễn Cao Duy (học sinh trường THPT Chu Văn An Thái Bình) - thi vào ĐH Ngoại thương - khá bất ngờ với câu nghị luận nói trên. Em cho rằng, đây không phải là câu hỏi dễ như lạ và hay. Bản thân làm không được trọn vẹn như mong muốn nhưng em rất thích câu hỏi này bởi nó gợi cho em nhiều suy nghĩ, khiến em phải nhìn lại bản thân.
Với Đinh Thị Giang (học sinh Trường Phúc Thành, Hải Dương), vấn đề đặt ra trong bài Văn rất “trúng” với những thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Em cho rằng, là một học sinh với bài văn này mình không cần đặt ra vấn đề quá to tát, vượt tầm suy nghĩ của lứa tuổi mà hãy liên hệ đến những điều thật gần gũi, trong đó có cách dạy, cách học:
“Nhiều bạn học sinh hiện nay rất thụ động học tập, chỉ học theo thầy cô hoặc theo sách giáo khoa mà không dám bày tỏ chính kiến của mình, không chịu tìm tòi những tri thức mới bằng đọc sách báo, internet... Em nghĩ rằng, sau khi làm bài Văn này, nhiều bạn sẽ thay đổi cách suy nghĩ, cách học theo hướng chủ động hơn, bản thân em cũng vậy.” - Giang chia sẻ.
Cho rằng đây là đề Văn hay, có tính phân loại cao, thầy Phạm Gia Mạnh - Giáo viên Văn Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội - phân tích:
Hai câu ở phần riêng, yêu cầu bình luận ý kiến nhận định về nội dung trong hai tác phẩm “Vội vàng” và “Chiếc thuyền ngoài xa” có tính định hướng khá rõ. Câu 1 với chi tiết “Sông Đà như một cố nhân”, yêu cầu học sinh trả lời “cố nhân” ấy có tính nết như thế nào, cách ví von này có ý nghĩa gì - Đây là một câu hỏi hay và “đẹp”, yêu cầu học sinh phải học đến nơi đến chốn mới hiểu được; đồng thời, khi làm bài phải tư duy, phân tích mới đúng được đáp án.
Câu nghị luận xã hội ở phần chung, theo thầy Mạnh có ý nghĩa tích cực với học sinh, hay và lạ tuy nhiên, đây là câu hỏi khá khó:
“Đây là câu có tính phân loại, học sinh cần tư duy độc lập mới mong đạt điểm tốt, còn nếu học theo văn mẫu chắc chắn không thể làm được câu này.” - thầy Mạnh nhận xét.
Hiếu Nguyễn