Các bệnh về đường hô hấp
Hằng ngày lên lớp, thầy cô phải tiếp xúc với bụi phấn thạch cao liên tục, lượng bụi phấn hít vào phổi rất lớn. Bụi phấn tích tụ lâu ngày thường gây ra viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng mạn tính, viêm phế quản, nặng nữa là hen phế quản... Nhiều thầy cô khi tuổi đã cao thường bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (bệnh không chữa khỏi hoàn toàn, bệnh liên tục tiến triển nặng dần, gây tàn phế và có tỉ lệ tử vong cao).
Giáo viên là nghề bắt buộc phải nói nhiều và kéo dài nên hầu hết các thầy cô đều bị tổn thương họng, thanh quản dẫn đến khản hay mất giọng. Giọng nói đối với nghề giáo viên là một công cụ để lao động, khi giọng nói bị thay đổi hay mất giọng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, làm giảm nguồn cảm hứng và tự tin của người giáo viên, thậm chí phải thay đổi công việc, nghỉ dạy...
Trong lớp học |
Ở Mỹ, tỷ lệ giáo viên chỉ chiếm 4 % lực lượng lao động nhưng chiếm tới 19,6 % các trường hợp đến khám do các vấn đề về giọng nói; Ở Thụy Điển tỷ lệ này là 5,9 % và 16 %.
Theo báo cáo của Lou Zheng-cai, Lou Zi-han, Feng Xiao-qiao và cộng sự (Department of Otorhinolaryngololgy, Yiwu Peoples Hospital), có 541 trong tổng số 1.194 giáo viên bị khàn giọng. Kết quả nội soi cho thấy các tổn thương chính ở thanh quản, dẫn đến viêm thanh quản mãn tính. Việc nói quá nhiều là nguyên nhân chính của bệnh lý vùng họng, làm ảnh hưởng đến khả năng phát âm của giáo viên.
Đau vai gáy
Nghề nhà giáo phải ngồi nhiều để soạn giáo án, chấm bài tập. Sự tập trung và ngồi lâu một tư thế gây căng cứng cơ vùng cổ, vai gáy nên thầy cô thường đau. Cơn đau trở thành mạn tính là do tổn thương mô mềm, dây chằng và phát triển thành thoái hóa đốt sống cổ.
Suy tĩnh mạch
Suy tĩnh mạch khá phổ biến ở giáo viên các nước phát triển, ở nước ta ít gặp hơn. Do các thầy cô phải đứng lâu, máu trong hệ tuần hoàn ứ lại hệ tĩnh mạch dưới thấp. Theo thời gian và tuổi cao, hệ tĩnh mạch chân bị giãn to ngoằn nghèo gây mất thẩm mỹ, chân căng to và đau. Triệu chứng ban đầu của bệnh là tê chân, cảm giác bồn chồn ở chân, phù chân, chuột rút về đêm, đau chân và giãn tĩnh mạch nông, nổi thành từng búi hay giãn toàn bộ trông như những con giun ngoằn ngoèo màu xanh trên bắp chân và đùi. Nếu bệnh không được điều trị, có thể làm thay đổi sắc tố da, sạm màu da chân, nặng hơn thì có những vết loét trên da mà điều trị mãi không lành.
Biến chứng hay gặp nhất của giãn tĩnh mạch nông là vỡ tĩnh mạch gây chảy máu nhiều và liên tục, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Nguy hiểm nhất là tình trạng viêm tĩnh mạch và hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, nhất là ở các tĩnh mạch sâu. Cục máu đông sẽ theo tĩnh mạch chạy về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể tử vong chỉ trong vài phút...
Chứng suy nhược thần kinh và stress
Đây là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm. Nghề dạy học là nghề lao động trí óc liên tục, suy nghĩ thường xuyên (thậm chí cả khi đi ngủ). Đặc biệt là những dịp cuối năm học, thầy cô cũng phải thức ngủ cùng với học sinh trong những kỳ thi. Trong khi đó chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thường không được bảo đảm. Ăn uống qua loa lên lớp, đôi khi nhịn đói đi dạy là chuyện thường ngày. Xã hội càng phát triển thì đời sống tâm sinh lý của học sinh càng đa dạng và phức tạp. Điều này cũng tạo một áp lực rất lớn đối với các thầy cô.
Giáo viên soạn bài giảng trên máy tính |
Sau một thời gian lao động trí óc căng thẳng không ít thầy cô mắc phải chứng suy nhược thần kinh, trầm cảm, nặng hơn là rối loạn tâm thần và tai biến mạch máu não.
Theo các nhà Tâm lý học Anh quốc (qua một cuộc khảo sát về hội chứng "Stress" ở các nghề nghiệp) gần đây thì "Stress" ở giáo viên đứng vào hàng thứ 15 trong số 41 nghề được khảo sát.
Cách giảm thiểu những nguy cơ và phòng chống bệnh nghề nghiệp với nhà giáo
- Phòng chống đau vai gáy: Cố gắng không giữ quá lâu một tư thế ngồi. Đặt chuông điện thoại hay đồng hồ hay phần mềm trên máy tính sau mỗi giờ phải thay đổi tư thế. Nên đứng dậy tập vài động tác thể dục, xoay đầu cổ theo các hướng khác nhau nhưng không nên xoay tròn, tự xoa bóp thư giãn vùng vai gáy để làm mềm cơ giúp máu lưu thông tốt hơn. Đứng dậy tập thể dục cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Tại Mỹ, tỷ lệ giáo viên chỉ chiếm 4% lực lượng lao động nhưng chiếm tới 19,6 % các trường hợp đến khám do các vấn đề về giọng nói; Tại Thụy Điển tỷ lệ này là 5,9 % và 16 %. - Theo các nhà Tâm lý học Anh quốc (qua một cuộc khảo sát về hội chứng "Stress" ở các nghề nghiệp) gần đây thì "Stress" ở giáo viên đứng vào hàng thứ 15 trong số 41 nghề được khảo sát. |
Ngoài ra, nên bố trí thời gian 1 giờ mỗi ngày tập thể dục (Aerobics). Điều này tốt cho tim, giúp làm giảm stress và các bệnh cột sống rất tốt.
- Phòng bệnh giãn tĩnh mạch: Cần có những thay đổi chế độ làm việc và sinh hoạt như: hạn chế đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu; tập đi bộ chậm hay bơi lội 30 phút mỗi ngày; không để tăng trọng lượng cơ thể; chế độ ăn nhiều chất xơ và vitamin, nhất là vitamin C; không mặc đồ quá chật, không đi giày cao gót.
Trong các giờ giảng, thầy cô có thể cố gắng luôn giữ một chân trong một trạng thái nghỉ. Dồn trọng lượng cơ thể sang 1 chân kia và luân phiên thay đổi để tạo sự vân động giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Phòng chống stress: Sự nỗ lực của bản thân giúp phòng chống stress tốt nhất. Các thầy cô nên dành thời gian tập thể dục mỗi ngày. Điều này tuy đơn giản nhưng hiệu quả đem lại rất lớn. Thế dục làm máu lưu thông tốt, giúp hệ tim mạch và các cơ quan hoạt động tốt hơn, tăng thải độc, giảm mỡ máu, tăng sức bền, giảm stress rất hiệu quả.
Cũng cần bố trí hợp lý công việc để có thể có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tham gia các câu lạc bộ, bộ môn nghệ thuật và gặp gỡ với những người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau sẽ giúp các thầy cô điều hòa tâm trạng, cởi mở hơn cung như có thêm kiến thức thực tiễn giúp cho bài giảng thêm phong phú, sinh động.
Làm thế nào để giữ giọng nói vàng? Theo các bác sĩ về tai – mũi họng, các giáo viên đứng lớp cần bố trí thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh nói liên tục trong thời gian dài hay trong môi trường ồn ào; Hạn chế phải nói to và nói nhiều bằng cách sử dụng micro và các thiết bị nghe nhìn khi giảng để hạn chế thời gian phải diễn giải, điều chỉnh giọng nói như hạ thấp giọng, sử dụng các ký hiệu thay thế âm thanh như vỗ tay, giơ tay... khi giảng bài. Cần bố trí nghỉ ngơi hay đi khám nếu có dấu hiệu ban đầu của mệt mỏi giọng nói như: Nói không được thoải mái, thay đổi ngữ điệu giọng nói, nói ngắt quãng; không nói được to và kéo dài; Cảm giác khô đau, vướng, khó chịu trong miệng, họng, nhất là khi phải nói to; Khó nuốt, có thể ho hoặc nghẹn khi nuốt; Đau các cơ vùng cổ họng, có thể kèm theo đau tai; Cảm giác khó phát âm, khàn giọng, khản tiếng, mất tiếng... Chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi: Uống nhiều nước (2 lít/ngày) hoặc nước ép trái cây, lượng nước uống chia làm nhiều lần trong ngày; Cố gắng ăn hạn chế các loại gia vị, không hút thuốc, uống rượu; Tránh ăn uống các đồ quá nóng vì nó có thể gây ra khô và mất lớp nhầy ở họng; Thu xếp để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, thể dục thể thao; Giữ cho cổ họng ẩm như nhai kẹo cao su, súc miệng bằng nước muối. |
Nguyễn Hồng Vĩ (Bác sĩ chuyên khoa II)