Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy

GD&TĐ - Sáng 19/2, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, với 456/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.

Theo Nghị quyết, khi sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.

Nghị quyết quy định, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền đã quy định tại các văn bản được chuyển đổi theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Cơ quan, chức danh có thẩm quyền có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.

nghi-quyet2.jpg
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Về thực hiện thủ tục hành chính, Nghị quyết quy định, trường hợp có sự thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính phải thực hiện ngay việc điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính đã được điều chỉnh theo quy định pháp luật.

Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính có các trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn.

Không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp; không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp; thông báo công khai thông tin.

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua và được thực hiện đến hết 28/2/2027.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.

Học ngoại ngữ là một hành trình thú vị

GD&TĐ - Đây là chia sẻ của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, cựu học sinh Trường THPT Việt Đức tại lễ kích hoạt Tháng tự học ngoại ngữ năm 2025 ngành giáo dục Hà Nội.