Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đương |
Mở đầu phiên họp, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đã làm nóng nghị trường bằng hàng loạt câu hỏi liên quan đến thực tế phòng chống tham nhũng. Đại biểu chỉ ra rằng, cử tri rất bất bình về tình hình tham nhũng. Tại sao càng chống thì tham nhũng càng mạnh lên. Phát hiện tham nhũng thì nhiều mà xử lý thì ít? Đề nghị năm 2013 và các năm tới mở cuộc vận động tiết chế lòng tham; cuộc vận động từ chức, nhất là đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh nếu lĩnh vực mình xảy ra những bê bối.
“Nếu phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền còn khó hơn, thì dám từ bỏ chức vụ thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân cho nước. Còn nếu không làm được thế thì tới đây, cũng nên đưa một số Bộ trưởng mà dân đang bức xúc về một số lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu, thủy điện ra bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm”- đại biểu Đương nhấn mạnh.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tập trung, phối hợp chặt chẽ đột phá vào một số lĩnh vực cử tri bức xúc như ngân hàng, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, các dự án sử dụng vốn và tài sản công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu thua lỗ, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng… để kịp thời ngăn ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản cho nhà nước.
“Hiện nay, chống tham nhũng mới chỉ là xử lý các vụ án tham nhũng vặt. Thật cay đắng là tham nhũng dăm ba triệu thì bị bỏ tù còn hàng loạt các vụ án lớn thì đầu voi đuôi chuột. Đề nghị thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập, không nằm trong khối cơ quan hành pháp”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) thì cho rằng, nguyên nhân của việc phát hiện tội phạm tham nhũng nhiều nhưng xử lý còn ít là do pháp luật và cơ chế xử lý tham nhũng còn chưa chặt chẽ.
Đại biểu phân tích, khi điều tra tham nhũng, các đối tượng có chức vụ luôn có trình độ để tẩu tán tài sản, chứng cứ. Còn khi xử án thì các đối tượng này thường được tận dụng các tình tiết giảm nhẹ vì nhân thân tốt, vì vậy mức án thường dưới khung xử phạt. Đề nghị xử lý thật chặt chẽ. Phải luật hóa tin tố giác tội phạm tham nhũng. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu chế tài. Thành lập cơ quan điều tra độc lập về tội phạm tham nhũng như nhiều đại biểu đã đề nghị”, bà Bình nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga |
Cùng quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích sâu hơn những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng hiện hành.
Theo đại biểu Nga, năm 2010, Quốc hội đã sửa Luật Thanh tra để bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra. Nhưng thực tế không thực hiện nghiêm: thời hạn ra kết luận thanh tra chậm, có xu hướng phụ thuộc vào đối tượng thanh tra; nội dung kết luận thanh tra không xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước, các cá nhân, thể hiện điển hình qua kết luận thanh tra của Vinashin, Vinalines. Tiếp cận kết quả thanh tra còn nhiều khó khăn.
Cũng theo đại biểu Lê Thị Nga, Kiểm toán Nhà nước là công cụ để Quốc hội giám sát Chính phủ nhưng Kiểm toán Nhà nước chẳng thuộc Quốc hội cũng không thuộc Chính phủ. Điều này dẫn tới nhiều bất cập về vai trò, vị trí của kiểm toán trong phòng chống tham nhũng. Trong khi đó, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn nên nhiều khả năng họ sử dụng quyền lực để chống lại điều tra.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị cho phép cơ quan công an được áp dụng cơ chế điều tra độc lập đối với phòng chống tham nhũng, dĩ nhiên đi liền với đó là cần giám sát để chống lạm dụng quyền lực trong điều tra. Đồng thời đại biểu yêu cầu trả lời rõ tại sao trong vụ Vinashin lại không phát hiện được tội phạm tham nhũng? Tại sao các vụ án tham nhũng thường theo kiểu đầu voi đuôi chuột? Bộ trưởng Bộ Công an cần trả lời có hay không dấu hiệu tham nhũng ngay trong lực lượng làm công tác phòng chống tham nhũng?
Cũng trong phiên họp chiều nay, trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu lên.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, so với 3 năm trước, năm nay số án tăng lên 50.000 vụ. Pháp luật tố tụng hiện nay có nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Ví dụ chưa có chế tài đối với người khiếu nại không đúng vì hiện số kháng nghị rất lớn; những quy định về chuyển đơn hiện nay rất thoải mái, thậm chí nhiều nơi không cần thẩm định, cứ nhận là chuyển dù có khi đơn đó đã được giải quyết 2-3 lần. Có nhiều án đã xét phúc thẩm rồi, nhưng theo quy định có kháng nghị lại phải xét lại từ đầu. Chúng tôi sẽ kiến nghị xem xét án cũng phải có điểm dừng.
Lý giải việc tại sao án phúc thẩm xét xử chậm, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, với số lượng án kháng nghị lớn như hiện nay, xét xử chậm là không tránh khỏi.
Về án treo, nhất là án treo với tội tham nhũng, tỷ lệ án treo hàng năm đã giảm nhiều, kể cả án treo tham nhũng. Việc áp dụng án treo là theo quy định của pháp luật, những ai có thân nhân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ sẽ được giảm án treo. Vấn đề là áp dụng có đúng hay không? Nếu đúng pháp luật thì nhiều án treo vẫn tốt, và ngược lại.
“Ở nước ta, tội phạm tham nhũng cũng không thể không cho hưởng án treo, điều này cũng phù hợp với quốc tế. Nhưng có thể sửa luật để áp dụng những điều kiện khắt khe hơn trong việc cho hưởng án treo. Chúng tôi đã quy định không tái bổ nhiệm những thẩm phán cho hưởng án treo sai quy định; đình chỉ công tác xét xử đối với thẩm phán có quyết định sai trong cho hưởng án treo 2 vụ liên tiếp” - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo ĐCSVN