Quốc hội thảo luận về bình đẳng giới

GD&TĐ - Sáng nay (9/11), Quốc hội tiến hành thảo luận về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tiếp đến Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cuối phiên làm việc Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Luật bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2007, từ đó đến nay hằng năm Quốc hội, Chính phủ đã tiếp tục ban hành nhiều luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Tính riêng từ năm 2016 đến tháng 9/2017, Quốc hội ban hành 09 Luật, Chính phủ ban hành 4 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quyết định, các Bộ, ngành ban hành 07 Thông tư quy định các nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc được thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới

Chính phủ cũng đã trình ban hành và ban hành nhiều chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực như quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017);

Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có tiêu chí đảm bảo bình đẳng giới phải đạt được tại các xã được công nhận nông thôn mới ;

Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có các chỉ tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái; Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”…

Năm 2015, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua đã tạo ra khung pháp lý chặt chẽ, định hướng công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, các dự thảo văn băn quy phạm pháp luật đã được xem xét, đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới .

Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có 10 luật được các cơ quan chức năng thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tổng số 15 luật được thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ