Quốc hội không xem xét đề xuất lấy phiếu tín nhiệm sớm

GD&TĐ - Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn vẫn diễn ra tại kỳ họp thứ 6, cuối năm 2018.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Q.H
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Q.H

Sáng 8/3, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không xem xét đề xuất lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn so với quy định.

"Việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội vẫn thực hiện theo quy định hiện hành, nghĩa là tại kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc cuối tháng 10/2018", ông Phúc nói và cho hay, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là công việc định kỳ quan trọng nên các cơ quan có thẩm quyền quyết định xem xét theo đúng quy định, quy trình và công khai khi có kết quả.

Trước đó, theo chương trình dự kiến, sáng 22/3, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Ông Trần Văn Tuý - Trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, do có ý kiến đề xuất đưa việc lấy phiếu tín nhiệm lên sớm hơn, thực hiện tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào tháng 5 tới, nên Ban công tác đại biểu xây dựng hai phương án (giữ như cũ và sửa đổi) để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến nay Quốc hội đã có hai đợt lấy phiếu tín nhiệm gần 100 cán bộ (47 người năm 2013 và 50 người trong năm 2014).

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có 3 mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ