Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013, có 438 trên tổng số 445 đại biểu (tương đương 87,95%) tán thành. Trong đó, Quốc hội thống nhất chi 16.000 tỷ đồng để đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nghị quyết cũng quyết định chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, cải thiện nhà ở...
Trước đó Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, với hơn 88% ý kiến tán thành.
Ngày 2/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng cần phải dành kinh phí nhiều hơn nữa. Ông cũng đề nghị Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ luật thu chi ngân sách, từ trung ương đến địa phương để có thêm nguồn lực cho ngư dân, cảnh sát biển.
Theo đó, các địa phương cần tạm dừng những dự án chưa thực sự bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng an ninh, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. "Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài", ông Đương thẳng thắn nói.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cũng cho rằng 16.000 tỷ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, cắt những khoản này cử tri mới thấy Quốc hội quyết tâm rất mạnh mẽ và không chỉ có 16.000 tỷ đồng để xử lý những vấn đề đặt ra ở biển Đông.