![]() |
Phong cảnh Na Uy |
Dữ liệu thu thập được trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy người dân sống ở Na Uy, Australia, Iceland có mức sống cao nhất, trong khi Nigeria, Afghanistan và Sierra Leone đứng ở cuối bảng xếp hạng về lĩnh vực phát triển con người.
Chỉ số của UNDP được thu thập dựa trên những dữ liệu năm 2007 về GDP đầu người, giáo dục, tuổi thọ và chỉ ra những khác biệt đáng kể giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
UNDP cho biết: “Nhiều quốc gia đã bị giật lùi trong những thập kỷ gần đây trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, các vụ bạo lực tăng lên và đại dịch HIV/AIDS… những vấn đề này xảy ra trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.
Tuổi thọ ở Niger là 50, thấp hơn 30 năm so với Na Uy. Cứ mỗi đô la mà một người Niger kiếm được thì ở Na Uy số tiền này là 85 đô la.
50% số người sống ở 24 quốc gia nghèo nhất bị mù chữ, so với 20% ở các quốc gia được xếp ở mức trung bình về phát triển con người.
Người Nhật sống lâu hơn (trung bình 82,7 tuổi) người dân ở các nước khác trong khi đó tuổi thọ của người dân Afghanistan luôn chịu chiến tranh là 43,6%.
Công quốc Liechtenstein có chỉ số GDP trên đầu người ở mức 85.383 đô la. Đây là nơi có dân số 35.000 dân, 15 ngân hàng và hơn 100 công ty quản lý tài sản.
Người dân nghèo nhất sống ở Cộng hòa dân chủ Congo – nơi có thu nhập bình quân đầu người là 298 đô la một năm.
5 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Venezuela, Peru, Colombia và Pháp leo lên 3 bậc trở lên so với năm ngoái do người dân có thu nhập và tuổi thọ cao hơn. Trung Quốc, Colombia và Venezuela cũng có tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục.
UNDP – tổ chức đưa ra đưa ra các chỉ số thường niên trên kể từ năm 1990 - cho rằng phát triển con người đã cải thiện 15% trên toàn thế giới từ năm 1980, trong đó Trung Quốc, Iran và Nepal tiến bộ nhanh nhất.
Hà Châu (Theo China Daily)