Tờ báo The Global New Light của Myanmar cho biết trước đó rằng 2 thị trấn ở Yangon và những thị trấn khác ở bang Mandaly, Sagaing và Kayah sẽ bị giới nghiêm, tuy nhiên, một số người cho rằng lệnh này được áp đặt toàn quốc.
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ chống đảo chính như “Không chấp nhận chế độ độc tài”, “Chúng tôi muốn lãnh đạo của chúng tôi”. Họ đang đề cập tới cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi bị quân đội buộc tội gian lận.
Tại Yangon cũng có rất nhiều GV tham gia biểu tình. “Chúng tôi không lo lắng về cảnh báo của họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi xuất hiện hôm nay. Chúng tôi không thể chấp nhận lý do gian lận phiếu bầu của họ. Chúng tôi không muốn có bất kỳ chế độ độc tài quân sự nào” – GV Thein Win Soe nói.
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào sáng thứ 7 tuần trước khi Internet bị ngắt trên cả nước lần thứ 2 kể từ khi quân đội nắm quyền và bắt giữ các lãnh đạo dân sự.
Theo hãng tin Mizzima News, vòi rồng đã được sử dụng nhiều lần để giải tán những người biểu tình ở thủ đô NayPyi Taw của Myanmar. Trong khi đó ít nhất 3 người đã bị thương do trúng đạn cao su. Các nhân chứng cho biết cảnh sát bắn chỉ thiên ở Naypyitaw khi một đám đông từ chối giải tán.
Trước đó, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing có bài phát biểu trên truyền hình. Ông cho rằng ủy ban bầu cử của đất nước phải được cải tổ và các biện pháp chống Covid-19 sẽ được ưu tiên. Bên cạnh đó, ông thông báo đã thành lập một chính phủ gồm các bộ trưởng phù hợp đồng thời chính sách đối ngoại của đất nước sẽ không thay đổi.
Ông Min Aung Hlaing cam kết làm việc để phê duyệt các dự án kinh doanh đang chờ chính phủ tiền nhiệm và mời gọi đầu tư trong vào ngoài nước. Ông cũng cho biết sẽ làm việc để tạo thêm việc làm và mở lại các nhà máy.
Trong khi đó, quốc gia đầu tiên trên thế giới là New Zealand đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Myanmar vào hôm qua. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết sẽ đình chỉ mọi liên lạc chính trị và quân sự cấp cao với Myanmar sau khi ở đây có chính biến. New Zealand sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar trong những tuần tới, đồng thời hạn chế tất cả các chương trình viện trợ được chuyển giao thông qua quân đội hoặc mang lại lợi ích cho lực lượng này.
Trong một tuyên bố khác, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta nói rằng New Zealand không công nhận chính phủ do quân đội Myanmar lãnh đạo là hợp pháp và kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo dân sự bị giam giữ vào tuần trước.