Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, “mất dạy”.
“Đứa con vô dụng”
Nguyễn Quỳnh Anh - sinh viên tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, thường xuyên bị bố mẹ so sánh với “con nhà người ta”. Mỗi lần mắc lỗi gì đó dù không nghiêm trọng, Quỳnh Anh đều phải nghe những câu sỉ vả từ bố mẹ: “Tại sao các bạn giỏi giang mà mày lại dốt như vậy?”.
Tương tự Quỳnh Anh, Trần Duy Sơn - học sinh lớp 12 tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể, những câu nói thậm tệ của bố mẹ đã không còn xa lạ. Bố mẹ Sơn thường nói với cậu: “Tại sao mày không được như con nhà người ta?”, “Mày là cái thứ mất dạy, không bằng một phần con nhà người khác”.
Quỳnh Anh cho biết, từ lâu, em cũng cảm thấy mình là “đứa vô dụng” như lời bố mẹ nói. Dần dần, Quỳnh Anh thu mình và không còn muốn giao lưu với bạn bè. Trong khi đó, Trần Minh Khôi - sinh viên năm thứ 2 và từng thường xuyên nghe những lời chì chiết của bố mẹ, chia sẻ: “Nếu chưa thể thay đổi suy nghĩ của bố mẹ về mình, hãy tự thay đổi suy nghĩ và hành động của bản thân. Hãy cố gắng trong mọi việc, từ học tập, tu dưỡng đạo đức. Đồng thời, tìm những ưu điểm của bản thân và kiên trì rèn luyện”.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh viện cớ rằng, việc mắng nhiếc hay chửi con thậm tệ là để trẻ tốt hơn. “Thương phải cho roi cho vọt”, bà Thanh Tú - một phụ huynh có con học lớp 9 tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ. Theo bà Tú, khi bị xúc phạm bằng những câu nặng nề, con sẽ biết sợ và từ đó rút kinh nghiệm, không mắc lỗi nữa. Nữ phụ huynh này tin rằng, cách giáo dục như vậy sẽ giúp con tốt hơn.
Năm 2016, nhà nghiên cứu người Australia Sarah Wittle đã thực hiện khảo sát với sự tham gia của 188 thanh thiếu niên từ 12 - 16 tuổi. Kết quả cho thấy, sự ủng hộ nồng nhiệt của cha mẹ có ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển trí não của trẻ vị thành niên.
Thực tế, các nghiên cứu cho thấy, bị sỉ nhục bằng lời nói là nguyên nhân gây trầm cảm, căng thẳng, lo âu ở trẻ.
Việc bị chì chiết sẽ để lại tổn thương trong trẻ. Ảnh minh hoạ. |
Khơi gợi sự phản kháng
Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, điều đáng sợ và gây khó khăn với một đứa trẻ là khi chính những người thân cận nhất, tin tưởng và dựa dẫm nhiều nhất lại hành động và coi chúng như một kẻ “tội đồ” hoặc không tôn trọng.
“Bởi, khi rơi vào hoàn cảnh đó, không có nơi nào là chỗ để con cảm thấy được giúp đỡ và cũng không có ai để dựa vào. Con tự trải qua tất cả những nỗi đau bên trong. Sự oán giận này có xu hướng huỷ hoại nghiêm trọng tương lai con khi trưởng thành”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đặc biệt, ảnh hưởng sẽ vô cùng nặng nề khi một đứa trẻ bị xúc phạm ở nơi công cộng. Theo chuyên gia Phan Linh, việc la mắng con trước mặt người lạ, trên đường phố, trong sân chơi cũng là một hình thái của sự sỉ nhục. Hình phạt về tinh thần là một cách làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ. Hành động đó thậm chí còn khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, nhục nhã ở nơi công cộng. Đồng thời, dần dà giết chết sự tự tin, cũng như khơi gợi sự đối đầu, phản kháng ở trẻ.
Thay vì xúc phạm trẻ, cha mẹ được khuyến khích khen ngợi con. Mặt khác, góp ý hoặc trách phạt một cách riêng tư. Thay vì mắng con giữa nơi công cộng hoặc trước mặt nhiều người, cha mẹ cần gọi trẻ vào một góc riêng. Sau đó, nói chuyện một cách nghiêm khắc nếu những việc làm của trẻ có thể gây ra hậu quả xấu.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên gọi con bằng những biệt danh gây khó chịu cũng được coi là một hình thức sỉ nhục trẻ. Theo chuyên gia Phan Linh, người lớn thường nghĩ rằng, những biệt danh mình đặt cho con trong các tình huống vụng về, chậm chạp… là hài hước. Song, điều đó có thể khiến trẻ có cảm giác bị kì thị. Từ đó, khiến trẻ xấu hổ và không hiểu được vì sao lại bị gọi như vậy.
“Nhiều đứa trẻ bị tổn thương và đau khổ trong những tình huống như vậy. Đặc biệt, nếu những gì người lớn nói hay nhận xét lại là bẩm sinh và phụ thuộc vào tính khí, tính cách của trẻ. Ví dụ, một đứa trẻ ít nói và bị người lớn vô tư nhận xét: “Ơ con bé này nhát thế” hoặc “Con bé này hư thế, mất mồm rồi à?”, chuyên gia Phan Linh dẫn chứng.
Phụ huynh cần góp ý riêng nếu trẻ mắc lỗi. Ảnh minh hoạ. |
Ảnh hưởng sức khoẻ thần kinh
Việc xúc phạm, sỉ nhục có thể khiến trẻ gặp những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là về thần kinh. Theo chuyên gia Phan Linh, trong quá trình căng thẳng, cortisol được giải phóng từ tuyến thượng thận. Cortisol là một hormone hoạt tính sinh học được sản xuất bởi vỏ thượng thận (ACTH). Tín hiệu sản xuất ACTH đến từng vùng dưới đồi - trung tâm điều khiển hoạt động nội tiết thần kinh ở não. Mức độ tăng cortisol trực tiếp hình thành các quá trình bệnh lý trong não.
Thuỳ trán là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. Thuỳ trán chịu trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn, sự chú ý, kiểm soát cảm xúc, lập kế hoạch và ra quyết định. Khi căng thẳng, chúng ta bị phân tán sự chú ý, không thể đưa ra quyết định, khó có thể kiềm chế cảm xúc…
“Những đứa trẻ bị la mắng, miệt thị, đe doạ, phớt lờ thậm chí đánh đập, lớn lên trong căng thẳng liên tục sẽ ảnh hưởng tới thuỳ trán của não. Ngay cả khi trẻ chỉ đơn giản là bị giám sát liên tục trong mọi việc và mất đi tính độc lập, các thuỳ trán cũng giảm hiệu suất, ngừng hoạt động tích cực và có thể không phát triển tới kích thước bình thường. Điều này đồng nghĩa với kết quả học tập của trẻ thấp hơn, không thể đưa ra quyết định đúng đắn, không kiềm chế được cảm xúc, không có động lực học tập và lười biếng, xuề xoà, dễ bị ảnh hưởng bởi những kẻ xấu”, chuyên gia giải thích.
Nơi bị ảnh hưởng tiếp theo là vùng hải mã và hạch hạnh nhân. Bởi, căng thẳng mãn tính cũng làm vùng hải mã và hạch hạnh nhân co lại. Hồi hải mã kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh mới trong não, các mạng lưới thần kinh mới và tham gia vào quá trình hình thành trí nhớ dài hạn. Khi hồi hải mã bị tổn thương, chứng hay quên, mất khả năng ghi nhớ có thể xuất hiện mặc dù những ký ức cũ vẫn còn mạnh mẽ.
Theo chuyên gia Phan Linh, trẻ em chịu bạo lực từ gia đình không thể ghi nhớ tài liệu mới ở trường bởi hồi hải mã bị thu hẹp. Cha mẹ càng la mắng vì con không thể học bài, gọi trẻ là “đồ ngu” hoặc “đồ lười”, vùng hải mã sẽ càng thu hẹp.
“Hạch hạnh nhân là một kho ký ức cảm xúc. Tất nhiên nó có thể chứa hạnh phúc, niềm vui nhưng có thể cả ký ức đau thương khác. Khi căng thẳng, giống như bị một người khác cố gắng ấn vào những nút kích hoạt cảm xúc không vui, khó chịu. Điều đó làm chúng ta phản ứng rất nhanh và đôi khi gây ra sự đau đớn. Hạch hạnh nhân rất nhỏ nhưng lại có nhiều vấn đề. Nó có sức mạnh khủng khiếp”, chuyên gia giải thích.
Với căng thẳng mãn tính, hạch hạnh nhân bị giảm kích thước. Kết quả là, trẻ sẽ dễ bị kích thích, nhanh chóng hoảng sợ hoặc trầm cảm. Những người có hạch hạnh nhân teo đi thường không có khả năng đồng cảm, lòng trắc ẩn. Điều này kết hợp với tính hung hăng chính là cơ sở hình thành những nhân cách mang tính chống đối xã hội.
“Không khó để thấy một đứa trẻ lớn lên trong căng thẳng liên tục sẽ bị ảnh hưởng và tác động thế nào. Đứa trẻ không tự chọn được cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chọn được cách chúng ta giao tiếp, tương tác và ứng xử với con mình. Không phải điều đó có nghĩa là chúng ta không bao giờ được lớn tiếng hay trách móc con. Càng không phải chỉ cần mắng trẻ một lần là chúng sẽ tổn thương ngay lập tức và không thể chữa lành”, chuyên gia nhận định.
Theo chị Phan Linh, bất kỳ ai cũng có thể không phải là cha mẹ hoàn hảo. Bởi, các cha mẹ cũng là con người và trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Phụ huynh có thể lỡ lời, nhưng sau đó cần nhanh chóng nhận ra sai lầm và tìm cách để sửa sai, cũng như kết nối lại với con. Khi liên tục làm tổn thương trẻ bằng lời nói, hành động hoặc đẩy trẻ vào những tình huống căng thẳng, các vấn đề sẽ xuất hiện.