Hôm đó trời mưa, chị đến đón con hơi trễ, thấy Xù giấu diếm hai cánh tay phía sau. Chị bực mình quát hỏi, con bé chầm chậm xòe ra các ngón tay đã bị ngâm nước “móp” hết. Không cần con “khai báo”, chị cũng dư biết là nãy giờ Xù tranh thủ vọc nước, đến mức da tay bị nhợt nhạt, nhăn nhúm lại. Nhìn nét mặt mẹ, Xù thừa biết là chị rất bực, nên im lặng không dám nói năng gì.
Nhà ở xa, hôm đó lại kẹt xe dữ dội, nên phải khá lâu hai mẹ con mới về đến nơi. Vậy mà, vừa tới cửa, con thảng thốt kêu lên: "Mẹ ơi, con lỡ để quên đồng hồ ở sân, ngay chỗ học vẽ rồi!"
Chẳng cần phải nhiều trí tưởng tượng, chị cũng đủ hình dung ra, con bé tháo đồng hồ ra để nghịch nước cho… thoải mái, sau đó là quên đeo vào khi thấy mẹ đến đón. Đây đã là chiếc đồng hồ thứ hai kể từ đầu năm học mới. Cái trước đã nhanh chóng bị hư sau ít ngày sử dụng. Nên lần sau, chị đã gắng mua cho con chiếc đồng hồ tốt hơn, tuy là đồ trẻ con nhưng cũng khá mắc tiền…
Con trẻ thường khiến ba mẹ bực mình vì thường xuyên làm mất đồ dùng. |
Tất nhiên là chị lập tức làm ầm lên. Chị vốn nóng tính, vừa tiếc của vừa bực mình, thừa hiểu là có quay lại tìm thì cũng chắc không còn nữa. Lúc giận, chị chẳng tiếc lời sỉ vả con bằng những ngôn từ khó nghe như “ăn hại, phá của, vô tích sự, chỉ muốn hành khổ người khác”. Rồi những lần con làm mất bút máy, mất áo khoác, mất nón… được mang ra “nhai lại”.
Xù cúi mặt nghe mẹ kể từng tội một bằng thái độ có phần hùng hổ. Ở đâu ra cái thứ con cái không biết quý công sức của cha chị như vậy kia chứ, nuôi tốn bao nhiêu cơm gạo, đã chẳng giúp được việc gì, mà còn… báo đời. Chị hầu như mất kiểm soát cảm xúc của mình. Chị hăm dọa sẽ không bao giờ sắm sửa cái gì “vô ích” cho con nữa, chỉ tổ lãng phí…
Xù vốn ưa đồng hồ. Từ lúc được mẹ sắm cho cái đồng hồ bằng nhựa màu hồng nhạt, có hai cây kim bé tí, con thường xuyên ngắm nghía coi giờ, tỏ ra vô cùng thích thú. Có đồng hồ, Xù chủ động nhắc mẹ giờ giấc đón đưa, tan học, nghĩ lại thấy khá tiện. Chị cũng hay hỏi giờ con, không phải chạy lên bấm điện thoại hoặc ngó lên tường nữa. Chị bần thần hình dung ra cảnh phải mua cái mới cho con, lòng bừng bừng khó chịu. Phải như nó hư hao gì thì còn đỡ tức, đằng này, vì nghịch ngợm mà con bé gây nên chuyện đáng tiếc như vậy, thật là không thể tha thứ nổi!
Xù ăn có chút cơm, rồi ngồi vào bàn học bài. Nhìn nét mặt con buồn rười rượi, chị bỗng thấy chạnh lòng, chợt nhớ ra, hẳn nỗi tiếc nuối của Xù còn lớn hơn của mẹ. Gần hai trăm ngàn đồng mua cái đồng hồ ấy, với chị, chỉ là chầu cà phê cơm trưa dành cho hai người, nhưng với Xù, đó là món quà to lớn, con đã mừng rỡ và yêu quý đồ vật ấy biết bao. Nỗi hụt hẫng vì mất mát của một đứa trẻ lên mười, hẳn sẽ vô cùng đậm sâu khi kèm theo đó là phản ứng thái quá đến khó tin của người chị đây mà…
Tận đến khi đi ngủ, chị mới dịu giọng hỏi han con vài câu, rồi bất ngờ khi thấy Xù bật khóc. Con nức nở xin lỗi mẹ. Ngay khoảnh khắc ấy, chị chợt thấy đau lòng, dưng không nhớ lại cái thời mới lớn, chị cũng được bà ngoại Xù tặng cho món trang sức be bé đầu tiên trong đời. Khỏi phải nói, chị đã sung sướng biết bao nhiêu, thường xuyên ngắm nghía nó, nâng niu vô cùng.
Vậy mà, chị đã nhanh chóng làm rơi mất đâu đó trong một lần chạy giỡn. May mắn thay, mẹ đã không một lời la rầy, chỉ nhắc nhở chị phải luôn nhớ cẩn thận, kèm theo câu an ủi rằng, thôi con đừng tiếc nữa, để mai mốt dư giả, mẹ mua cái mới cho… Chị nhớ lại cảm giác vừa hối hận vừa nuối tiếc xen lẫn với buồn phiền tự trách và lo sợ khi ấy đã nguôi ngoai nhiều, vì được mẹ vỗ về chia sẻ.
Hãy bao dung và dịu dàng với con mỗi khi chúng làm mất đồ. |
Chẳng hiểu sao, cái ký ức thân thương và đáng giá ấy lại quay về quá muộn màng, để chị phải ân hận và xấu hổ vì đã đặt chút vật chất lên trên sự cảm thông và yêu thương dành cho con mình…