Tại Kỳ họp thứ 6, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua Đề án đầu tư xây dựng phòng ở công vụ giáo viên vùng khó trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đề án, đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông công lập ở các vùng khó khăn trên địa bàn có đủ phòng ở công vụ cho giáo viên.
Phòng ở bao gồm phòng ngủ, nhà vệ sinh tự hoại và phòng tắm, bếp, 2 giường, 1 bàn, 2 ghế, với tổng số phòng dự kiến xây dựng là 399 phòng.
Tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng đề án ước tính 59 tỷ 850 triệu đồng, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách và huy động từ nguồn xã hội hóa.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cho hay, việc xây dựng nhà công vụ góp phần giúp đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn.
“Nếu có điều kiện thì chúng ta đã làm sớm hơn, nhưng không đủ nguồn lực. Bây giờ, nhiều cán bộ, công chức cấp xã, giáo viên miền núi đi làm việc, giảng dạy di chuyển liên tục rất cần nhà công vụ. Trước mắt, do cân đối nguồn lực từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng dân tộc thiểu số là 30 tỷ đồng và huy động từ nguồn xã hội hóa 30 tỷ đồng”, ông Quang thông tin.
Được biết, tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng hơn 3.000 cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục đang công tác tại các vùng miền núi khó khăn, trong đó có gần một nửa có nhu cầu nhà công vụ.
Thời gian qua, phòng ở công vụ cho giáo viêm vùng khó khăn luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng đến nay so với nhu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng.
Tình trạng giáo viên phải ở trong những căn nhà tập thể tạm bợ vẫn còn phổ biến. Việc chưa an cư đã tác động đến đời sống và hoạt động dạy học của các thầy giáo, cô giáo. Cùng với đó phần lớn nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng từ năm 2008 đến nay, nhiều nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng cần phải nâng cấp, sửa chữa.