Toàn bộ các tuyến đường của vùng đất mỏ bị chia cắt, các địa phương bị cô lập hoàn toàn. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến 18 giờ 30 ngày 28/7, trên địa bàn đã có 23 người chết và mất tích, nhiều người khác bị thương.
Hiện, những người bị thương đều đang được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và các trạm y tế địa phương. Thiệt hại vật chất tính đến thời điểm này lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Trước tình hình mưa lụt và sạt lở ở cấp báo động đỏ tại địa phương, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đã đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ 500 quân nhân, phương tiện, xe tăng lội nước, cùng hàng nghìn cán bộ chiến sĩ tại địa phương tham gia ứng cứu người dân. Hiện, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã bị cô lập, phải sử dụng lương khô, mỳ tôm của đội cứu hộ để tiếp tục cầm cự.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Giao thông, đến 16 giờ ngày 28/7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to. Nhiều khu vực tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn ngập trong nước, giao thông tiếp tục bị chia cắt trên QL18 và các tuyến tỉnh lộ; lượng mưa ước tính trên 750 mm, cá biệt tại Cửa Ông đã lên tới 828 mm, Cô Tô gần 800 mm.
Nghiêm trọng nhất là tại TP Hạ Long, đất đá sạt lở đã vùi lấp ba căn nhà ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng khiến 8 người trong một gia đình ba thế hệ bị vùi lấp.
Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại Quảng Ninh, ngày 28/7, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả.
Đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào khu vực bị tác động, chia buồn sâu sắc đến chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.