Quảng Ninh hướng đến hạnh phúc của người dân trong thực hiện mục tiêu quốc gia

GD&TĐ - 100% xã ở Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hoàn thành trước 3 năm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Những kết quả ấn tượng

Chiều 8/2, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Sau 12 năm thực hiện 2 chương trình, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Đối với Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%; có 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 57,1%; có 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 26,5%; 13/13 đơn vị huyện đạt chuẩn NTM, đạt 100%. Hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Đối với Chương trình giảm nghèo, tính đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đã chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020.

Hướng đến hạnh phúc của người dân

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả ấn tượng của Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó Trưởng BCĐ các chương trình MTQG Trung ương nhấn mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo được không khí xây dựng NTM và giảm nghèo trên khắp vùng nông thôn Quảng Ninh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Những kết quả ấn tượng của Quảng Ninh cho thấy những cách làm sáng tạo, đột phá, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện của tỉnh…

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng BCĐ các chương trình MTQG Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng BCĐ các chương trình MTQG Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Các chương trình MTQG cuối cùng là hướng tới hạnh phúc của người dân ở tất cả các địa bàn và các đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy trong quá trình thực hiện cần lồng ghép các chương trình về nội dung, địa bàn, đối tượng, nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc mong muốn thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục làm tốt hơn để khi thực hiện các chương trình đảm bảo đồng bộ, mang lại hiệu quả tốt hơn cho người dân, vừa đạt hiệu quả NTM, vừa nâng cao cuộc sống của người dân, giải quyết vấn đề bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm trong xuyên suốt thời gian qua của tỉnh trong việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM và giảm nghèo.

Đó là phải bắt đầu từ tư duy, tỉnh đã thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước, trong đó khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ đã và đang hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.

Trong huy động và tổ chức nguồn lực, tỉnh đã kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM. Đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng NTM, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với phát triển nông nghiệp. Phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân. Trong tổ chức thực hiện luôn đề cao yếu tố đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu của người đứng đầu, của các địa phương cấp huyện, cấp xã các đơn vị.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất là thu nhập, đời sống người dân phải thực sự được nâng cao. Đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 là đạt khoảng 8.000-10.000 USD. Tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn. Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Người nông dân và cư dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng…

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ