Nhiều đoạn đê rạn nứt
Đồng Rui là xã đảo ven biển với gần 800 hộ dân, hơn 2.700 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Tuyến đường đê hơn 20km bao quanh xã Đồng Rui bảo vệ gió bão, sóng biển và ngập mặn cho gần 230ha đất sản xuất nông nghiệp, trên 620ha đất nuôi trồng thủy sản và cuộc sống của các hộ dân nơi đây. Trước đây, đê được đắp bằng đất, mỗi lần mưa bão mặt đường đê lầy lội, đất cát nhanh bị xói mòn, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống cũng như công việc của bà con trong xã.
Năm 2010, đê Đồng Rui đã được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ đầu tư hơn 25 tỷ đồng để tu bổ nâng cấp tổng chiều dài 15,25km trên tổng toàn tuyến là 20,75km. Sau 4 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhiều đoạn trên tuyến đê đã xuất hiện sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.
Trước nguy cơ vỡ đê, năm 2014, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư trên 25 tỷ đồng để tu bổ con đê này. Tuy nhiên, 3 năm sau, tuyến đê đã có hiện tượng tràn vỡ, xói lở nghiêm trọng. Nước biển theo đó mà xâm lấn nguồn nước ngọt tự nhiên, nhiễm mặn ruộng đồng.
Qua nhiều lần cử tri, nhân dân kiến nghị, tháng 10/2017, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp hơn 15km đê Đồng Rui với tổng số vốn đầu tư 97,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh là chủ đầu tư dự án, thời gian thực hiện 2018 - 2020. Dự án được khởi công tháng 12/2018, đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Xây dựng Hải Nam và Công ty CP Đầu tư xây dựng Thịnh Phát.
Đầu năm 2020, công trình cải tạo nâng cấp đê Đồng Rui được hoàn thành. Con đường đê được đi vào sử dụng giúp người dân xã đảo an tâm trước mưa bão, xâm ngập mặn. Tuy nhiên, hơn một năm sử dụng, nhiều đoạn đê có dấu hiệu xuống cấp, một số đoạn đã rạn nứt khiến người dân lo ngại về chất lượng và độ bền công trình.
Chưa thể xác định trách nhiệm?
Ghi nhận của phóng viên, mặt đê Đồng Rui có nhiều đoạn bị rạn, nứt ngang. Thi thoảng có đoạn đã được vít mạch nứt bằng nhựa đen. Phần đất đắp 2 bên bờ đê có đoạn lún, hằn sâu vết xe tải. Khoảng trống tránh xe trên từng đoạn đê được rải đá đã bị trôi dạt, trơ đất và cỏ mọc um tùm.
Trả lời về hiện trạng trên, ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án công trình NN&PTNT Quảng Ninh cho rằng, chất lượng công trình đê Đồng Rui đảm bảo, điều đó đã có kết quả kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Công trình được nghiệm thu đi vào sử dụng.
Theo ông Quảng, việc đê xuống cấp phải làm việc với 2 nhà thầu xem họ làm thế nào. Đồng thời, báo chí nên làm việc với Sở NN&PTNT cho khách quan vì Sở này là đơn vị quản lý Nhà nước, họ nghiệm thu công trình.
Tuy nhiên, trao đổi về việc này, ông Phạm Như Quyền - Phó Giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư xây dựng Thịnh Phát lại cho rằng, báo chí cần làm việc với Ban Quản lý là chủ đầu tư và nắm rõ nhất vấn đề này.
Ông Quyền cũng cho biết, toàn tuyến đê có nhiều giai đoạn thi công khác nhau, có đoạn được xã làm theo Chương trình nông thôn mới. Đoạn xuống cấp đã được Công ty Hải Nam sửa chữa, khắc phục. Phía Ban Quản lý, đại diện hai nhà thầu và địa phương đã đi kiểm tra toàn tuyến nhưng phần nhà thầu thi công không có hiện tượng như phản ánh.
Được biết, quá trình hai nhà thầu thi công khiến con đường bê tông dẫn vào thôn Thượng, xã Đồng Rui bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước phản ánh của người dân, phía Ban Quản lý các dự án công trình NN&PTNT Quảng Ninh đã làm việc với các nhà thầu và yêu cầu làm trả nguyên hiện trạng tuyến đường.
Theo phản ánh, đoạn đê bị rạn nứt là nằm trong phần công trình mà Liên danh Công ty CP Xây dựng Hải Nam và Công ty CP Đầu tư xây dựng Thịnh Phát đã làm. Như vậy, câu trả lời của Ban Quản lý và đại diện phía doanh nghiệp có thỏa đáng, hay có sự nhầm lẫn?