Quảng Ngãi: Khắc phục thiếu sót trong triển khai công trình vệ sinh trường học

Quảng Ngãi: Khắc phục thiếu sót trong triển khai công trình vệ sinh trường học

(GD&TĐ) - Chiều 13/6, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin việc xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư. Đồng thời nêu rõ: Một số phương tiện truyền thông thông tin không chính xác số tiền 600 triệu đồng xây nhà vệ sinh trường học.

123
Hơn 30 cơ quan báo chí đến dự buổi họp báo

Độ lệch giữa nhu cầu và vốn đầu tư

“Thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác việc xây dựng nhà vệ sinh Trường THCS Long Hiệp có giá trị đầu tư gần 600 triệu đồng.

Thực tế, số tiền dùng để xây dựng 29,2 m2 nhà vệ sinh có hệ thống cấp thoát nước vệ sinh trong nhà là 236.456.000 đồng".

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi  -  Đỗ Văn Phu.

Ông Nguyễn Ngọc Tựu, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết: “Trên cơ sở thống kê số liệu từ các phòng GD&ĐT huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi thì trong giai đoạn 2010 -2015, toàn tỉnh Quảng Ngãi có nhu cầu xây dựng 723 công trình nước sạch, vệ sinh thuộc các cấp học từ bậc mầm non đến trung học.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, chỉ có 24 công trình được phê duyệt đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí đầu tư khoảng hơn 12,27 tỉ đồng; trong đó, có 21 công trình đã và đang triển khai, 3 công trình đang chờ cấp vốn đầu tư để triển khai xây dựng”.

Tất cả 24 công trình nước sạch, vệ sinh tại các trường học này đều thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Hiện Sở Tài chính Quảng Ngãi đã phê duyệt quyết toán 4 công trình, 13 công trình đang làm thủ tục quyết toán, 4 công trình đang triển khai thi công và 3 công trình đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật nhưng chưa bố trí vốn nên chưa triển khai thi công.

Đảm bảo đúng nguyên tắc

Theo ông Ngô Hữu Đằng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng giáo dục (Sở GD&ĐT Quảng Ngãi): Chủ đầu tư đã thực hiện đúng nguyên tắc đầu tư, xây dựng.

Trên cơ sở xác định nhu cầu cần thiết đầu tư và đã tiến hành khảo sát tại các điểm trường được bố trí đầu tư. Đồng thời, tiếp nhận ý có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh và cam kết thực hiện dự án của các trường.

Việc thiết kế nhà vệ sinh được áp dụng theo mẫu do Bộ GD&ĐT ban hành cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học trên địa bàn toàn quốc. Quá trình lập dự toán xây dựng công trình phù hợp với các quy định, chế độ hiện hành, đơn giá xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và thông báo giá tháng của Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho từng thời điểm.

Ông Ngô Hữu Đằng cho biết thêm: “Các công trình được thực hiện công tác bảo hành 12 tháng kể từ ngày bàn giao. Kể từ khi bàn giao các công trình đến nay, Sở GD&ĐT chưa nhận được bất kỳ một báo cáo từ các trường hưởng thụ dự án phản ánh về công trình có hiệu quả sử dụng kém.

Hiện trong thời gian nghỉ hè, ở một số trường không có người sử dụng và bảo quản do vậy nhà trường đã khóa van cấp nước đến nhà vệ sinh, nhiều trường mở cất các vòi nước để tránh mất cắp thiết bị công trình như Trường Tiểu học Năng An, Tiểu học Đức Thắng, Tiểu học Bình Chánh…”

123
Khu nhà vệ sinh Trường THCS Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Minh Long)

Thông tin không chính xác về số tiền 600 triệu đồng xây nhà vệ sinh trường học

Lý giải việc giá thành xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh của Trường THCS Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Minh Long) lên đến 593.013.000 đồng, ông Ngô Hữu Đằng cho biết:

“Ngày 28/11/2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Cấp nước và nhà vệ sinh Trường THCS Long Hiệp với tổng mức đầu tư 593.013.000 đồng.

Nguồn vốn thực hiện gồm có: Vốn ngân sách chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn là 444.760.000 đồng; vốn đóng góp của trường theo cam kết là 148.253.000 đồng (chiếm 25% tổng mức đầu tư).

Thực tế số tiền dùng để xây dựng 29.2 m2 nhà vệ sinh có hệ thống cấp thoát nước vệ sinh trong nhà là 236.456.000 đồng, không phải gần 600 triệu đồng như thông tin báo chí phản ánh.

Số tiền còn lại được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt (bồn chứa nước 500 lít, hệ thống cấp nước chiều dài 194 m cho khuôn viên trường), hệ thống điện bơm nước, khoan giếng, chi phí tư vấn và chi phí khác. Công trình xây lắp được thực hiện theo hình thức hợp đồng đơn giá cố định nên giá trị quyết toán công trình phụ thuộc vào khối lượng thi công thực tế”.

Thiếu sót trong điều tra, khảo sát đầu tư xây dựng

Về vấn đề tại Trường Tiểu học Long Sơn lại có 3 công trình nhà vệ sinh, ông Ngô Hữu Đằng giải thích: “Khi có chủ trương đầu tư, ngày 21/6/2011, Sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, đánh giá nhu cầu đầu tư tại Trường Tiểu học Long Sơn và lúc đó trường chỉ có 1 nhà vệ sinh đang sử dụng, nhưng đã xuống cấp.

Sau đó, Sở GD&ĐT đã trình phê duyệt đầu tư cho Trường Tiểu học Long Sơn công trình cấp nước và nhà vệ sinh (gồm hệ thống cấp nước sinh hoạt, giếng khoan, cấp điện máy bơm và nhà vệ sinh). Công trình được nghiệm thu, bàn giao sử dụng vào ngày 6/9/2012.

Tuy nhiên, sau khi nghe báo chí phản ánh, Sở GD&ĐT đã tiến hành xác minh thông tin thì được biết: Trường Tiểu học Long Sơn vừa được đầu tư tiếp 1 nhà vệ sinh từ nguồn vốn SEQAP và công trình này do UBND huyện Minh Long làm chủ đầu tư”.  

Ông Ngô Hữu Đằng thẳng thắn thừa nhận sai sót: “Việc xây dựng 2 công trình vệ sinh trên cùng một điểm trường là không hợp lý. Vấn đề này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm vì chắc chắn nhiều nơi khác chưa có công trình vệ sinh.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng giáo dục sẽ có những giải pháp điều tra, khảo sát và đầu tư xây dựng để tránh xảy ra tình trạng này”.

Thành lập Đoàn kiểm tra công trình nước sạch, vệ sinh trường học

Để kịp thời khắc phục, giải quyết một số vấn đề bất cập hiện nay trong việc triển khai chương trình mục tiêu nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, Sở GD&ĐT sẽ thành lập Đoàn kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu khắc phục những lỗi trong quá trình sử dụng.

Cùng đó, tham mưu đánh giá lại tất cả các khâu trong quá trình triển khai, xây dựng công trình; đồng thời tìm ra những khiếm khuyết, điều chỉnh (nếu có).

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng chương trình kịp thời báo cáo những sai sót để chủ đầu tư có biện pháp khắc phục, đồng thời yêu cầu đơn vị phải bảo quản tốt công trình trong quá trình sử dụng.

Được biết, hiện đa số các dự án xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh có tổng mức đầu tư nhỏ nhưng nguồn vốn cấp kéo dài từ 3 đến 4 năm.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn đóng góp trong trường học không khả thi. Do không có kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên, không có nhân viên biên chế vận hành hệ thống điện và cung cấp nước, phục vụ công tác quản lý, dọn dẹp vệ sinh…nên sau khi bàn giao công trình thì các trường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chưa thật sâu rộng nên một số cán bộ, giáo viên, học sinh các trường chưa nhận thức được hết ý nghĩa, chưa có ý thức sử dụng, bảo quản các công trình nước sạch, vệ sinh tại trường học.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ