Quảng Nam vượt lên dịch bệnh, 2 lần tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Quảng Nam là một trong số ít địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt. Các phương án tổ chức thi trong điều kiện dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp được địa phương xây để chủ động trong mọi tình huống.

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2020 tại Hội đồng thi tỉnh Quảng Nam.
Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2020 tại Hội đồng thi tỉnh Quảng Nam.

HS và GV thích ứng tốt với hình thức học tập trong thời đại công nghệ   

Tháng 2/2020, dịch Covid 19 xuất hiện tại Việt Nam vào đúng thời điểm học sinh trở lại trường học sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ năm học và phòng chống dịch với phương châm “sức khỏe, an toàn của học sinh, giáo viên là trên hết”.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bên cạnh việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, Sở GD đã hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 ở tất cả các cấp học, hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện việc dạy học qua internet và trên kênh truyền hình của đài PT-TH tỉnh.

“Trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô và nhà trường ứng dụng sáng tạo, linh hoạt. Ở những vùng khó khăn, thầy cô tổ chức xây dựng video clip các bài giảng và thông qua các trang mạng xã hội như youtube, zalo, facebook cùng nhiều ứng dụng khác để chia sẻ đến người học. Tận tâm hơn nữa, nhiều bài cô soạn bài giảng, bài tập, đi tới từng nhà để giao bài cho học sinh ở những vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Nhờ những nỗ lực của thầy và trò nên mặc dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng việc dạy và học không bị gián đoạn, tiếp cận và thích ứng tốt với hình thức học tập trong thời đại công nghệ.    

Học sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh (TP Hội An - địa phương đang thực hiện giãn cách khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1) được chuyển về dự thi tại điểm thi trường Phổ thông DTNT huyện Nam Giang
Học sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh (TP Hội An - địa phương đang thực hiện giãn cách khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1) được chuyển về dự thi tại điểm thi trường Phổ thông DTNT huyện Nam Giang

Kết thúc năm học đặc biệt 2019-2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được thay thế bằng kỳ thi tốt nghiệp PTTH. Thời điểm này, cùng với vùng tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam phải thực hiện tổ chức chia kỳ thi làm 2 đợt vào trung tuần tháng 8 cùng với cả nước và đầu tháng 9 năm 2020 cho các huyện thực hiện giãn cách xã hội. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ngành GD&ĐT Quảng Nam đã phải giải quyết một lượng lớn công việc liên quan đến công tác tổ chức thi.

Các phương án điều động GV làm công tác thi, chuẩn bị trang thiết bị, tăng cường đội ngũ nhân viên y tế, những đối tượng thí sinh nào dự thi đợt 1… đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và cán bộ, GV làm công tác thi.

“Sự thành công của kỳ thi không chỉ được khẳng định ở tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao của học sinh với 98,11% (năm 2019 là 89,07%) mà còn là sự đồng thuận, ghi nhận từ Bộ GD&ĐT, lãnh đạo và đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đảm bảo cao nhất tính hiệu quả, nghiêm túc, bên cạnh sự an toàn về phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức” – ông Quốc chia sẻ.

Sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường lớp

Trong năm 2020, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Quảng Nam đạt nhiều kết quả vượt bậc. Số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm qua đạt cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay với 33 giải- trong đó có 3 giải nhì, 10 giải ba, đặc biệt có một học sinh được vào vòng 2 trong đội tuyển dự thi quốc tế. Trong cuộc thi Olympic du học Nga, học sinh trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giành được 23/44 suất học bổng toàn phần của cả nước để được theo học ở các trường đại học danh tiếng của Nga. Những con số, những thành tích mà các em đạt được khẳng định sự giữ vững mục tiêu giáo dục phổ thông mũi nhọn của Quảng Nam so với khu vực và cả nước.

Quảng Nam tiếp tục thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Năm học 2019-2020, số lượng trường học đã giảm 15 trường so với năm học trước và tính đến tháng 11.2020 đã giảm thêm 1 trường so với thời điểm kết thúc năm học. Trong chỉ đạo dạy và học, việc phân luồng học sinh THCS tạo cơ hội lựa chọn ngành nghề sớm đã nâng tỷ lệ học sinh được học tập tại các trường nghề trong tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay.

Khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, ổn định dạy – học

Thời điểm thực hiện chương trình học kỳ I năm học 2020-2021 ở Quảng Nam lại thêm nhiều khó khăn vì thiên tai, bão lũ. Sự tàn phá của cơn bão số 9 vào tháng 10.2020 làm hư hại hoàn toàn nhiều trường học, trang thiết bị, gây mưa lũ sạt lở thiệt hại nặng nề về người và của.

Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) tưởng niệm những HS bị mất trong vụ sạt lở đất ở nóc Ông Sinh vào tháng 10/2020
Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) tưởng niệm những HS bị mất trong vụ sạt lở đất ở nóc Ông Sinh vào tháng 10/2020

Ông Hà Thanh Quốc chia sẻ: “Trong mất mát, đau thương, sự sẻ chia của cộng đồng, tình tương thân tương ái truyền thống của đồng bào, dân tộc trở thành một nguồn động viên cho người dân xứ Quảng. Tinh thần vượt khó của thầy và trò được khích lệ. Mặc dù cùng với nguồn lực hạn chế của địa phương, còn nhiều trường học vẫn chưa được trở lại khang trang sạch đẹp nhưng việc dạy và học đã không vì thế mà bị gián đoạn lâu dài. Trong rất nhiều khó khăn, thầy và trò cùng hệ thống giáo dục Quảng Nam vẫn đang cố gắng mỗi ngày cùng giữ gìn thương hiệu “học trò xứ Quảng”, nỗ lực xây dựng những trường học thật sự hạnh phúc”.

Quảng Nam đang triển khai Chương trình “Sữa học đường cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao”. Có 11.528 học sinh được uống sữa mỗi ngày. Duy trì đều đặn chương trình nhân ái này, trẻ em và học sinh các huyện miền núi không chỉ có được niềm vui giản dị khi đến trường mà các em còn được cải thiện phần nào về thể trạng, tăng cường sức khỏe trong học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.