Bến đỗ tiếp theo của Nguyễn Quang Hải ở đâu đang trở thành câu hỏi tâm điểm những ngày qua. Dù xuất ngoại để viết tiếp giấc mơ dang dở tại Pháp hay ở lại V-League thì tiền vệ sinh năm 1997 vẫn cần chứng tỏ giá trị cốt lõi với đội tuyển quốc gia.
Khúc mắc về chế độ
Hợp đồng giữa Quang Hải và Câu lạc bộ Công an Hà Nội sẽ hết hạn sau mùa giải 2023 - 2024. Đến thời điểm hiện tại, còn khoảng 3 tuần nữa V-League năm nay khép lại (30/6, PV), 2 bên dường như sẵn sàng cho một cuộc… chia tay. Đội bóng ngành Công an chưa có động thái nào cụ thể về phương án giữ chân cầu thủ này.
Chia sẻ trên trang cá nhân, người đại diện Michele Fersini cho biết: “Việc gia hạn hợp đồng với Quang Hải hiện không phải ưu tiên hàng đầu của Câu lạc bộ Công an Hà Nội. Nhưng chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục”. Người đại diện của Quang Hải thuộc Công ty quản lý cầu thủ FG Sport Talent, có văn phòng tại Việt Nam, Italy, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha.
Ông Michele Fersini cho biết thêm: “Gần đây, xuất hiện rất nhiều thông tin về tương lai của Quang Hải. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nên chờ thêm một thời gian nữa trước khi công bố thông tin chính thức…”, đồng thời xác nhận, hiện có nhiều câu lạc bộ thể hiện sự quan tâm đến Quang Hải.
Không chỉ đại diện ở J-League 1 (Nhật Bản), các đội bóng của Việt Nam và những nước khác cũng để mắt đến chân sút đang thuộc sở hữu của đội Công an Hà Nội.
Ngoài ra, Quang Hải và lãnh đạo đội bóng ngành Công an dự kiến ngồi với nhau vào cuối tháng 6 trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tương lai của tiền vệ 27 tuổi này sẽ được làm rõ sau loạt trận cuối cùng của FIFA Days tháng 6.
Mặc dù vậy, theo kênh thông tin uy tín cho biết, khả năng Câu lạc bộ Công an Hà Nội gia hạn hợp đồng với Quang Hải rất thấp. Cũng theo nguồn tin này, đại diện đội bóng ngành Công an đã gặp tiền vệ sinh năm 1997 này để bàn về việc gia hạn hợp đồng. Hai bên không tìm được tiếng nói chung về chế độ.
Theo đó, Quang Hải và người đại diện đưa ra đề nghị về số tiền lót tay 6 tỷ đồng/năm, chưa tính lương, thưởng và những khoản khác theo quy định. Đây là con số mà với nhiều lý do đội Công an Hà Nội gần như không thể đáp ứng vào thời điểm hiện tại. Trong đó, đội bóng này chưa đặt vấn đề hợp đồng của Quang Hải trở thành nhiệm vụ hàng đầu cần giải quyết.
Trước mắt, Câu lạc bộ Công an Hà Nội cần ổn định nhân sự ở vị trí người cầm quân. Hợp đồng có thời hạn 2 năm với tân huấn luyện viên Mano Polking chỉ nhằm chặn đứng nguy cơ “khủng hoảng” có dấu hiệu lan rộng.
Đội bóng này thua liền 3 trận ở V-League 2023 - 2024, kể từ khi chia tay huấn luyện viên Kiatisak. “Người đóng thế” - Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại không còn mát tay ở vị trí người cầm quân như những lần trước. Từ vị thế ứng cử viên hàng đầu năm nay, Công an Hà Nội kém đội đầu bảng Nam Định 11 điểm, trong khi giải còn 5 vòng đấu nữa.
Cơ hội bảo vệ ngôi vô địch của Công an Hà Nội coi như không còn, đồng thời họ cũng bật khỏi top 5 khi đang đứng thứ 6, kém Hải Phòng 1 điểm.
Hơn nữa, đội bóng ngành Công an có lẽ đến lúc phải thắt chặt chi tiêu chứ không thể vung tiền tấn chiêu mộ cầu thủ như mùa trước.
Theo thống kê, trong top 10 cầu thủ được cho là nhận tiền lót tay cao nhất V-League, Công an Hà Nội có 5 đại diện góp mặt. Đứng đầu là trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh với 16,5 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng; Đoàn Văn Hậu đứng thứ 4 (11 tỷ đồng/2 năm); Nguyễn Quang Hải 10 tỷ đồng/1 năm rưỡi (đứng thứ 8); Nguyễn Filip 10 tỷ đồng/3 năm (đứng thứ 9); Vũ Văn Thanh 10 tỷ đồng/3 năm (đứng thứ 10).
Nhưng đó không phải là sự phát triển bền vững khi nhiều hạn chế chưa được giải quyết. Thành tích yếu kém, sự bất ổn vị trí người cầm quân mùa này buộc lãnh đạo Công an Hà Nội phải xoay chiều chiến lược.
Quang Hải (áo đỏ) trong trận Công an Hà Nội gặp Thể Công - Viettel, vòng 21 V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF. |
Quang Hải (19) ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam vào lưới Iraq tại ASIAN Cup 2023. Ảnh: INT. |
Xuất ngoại có khả thi?
Trong những ngày cuối tháng 5, trang Yahoo Nhật Bản đưa ra thông tin Quang Hải sẽ gia nhập Câu lạc bộ Consadole Sapporo ở J.League 1 vào tháng 9 tới. Cũng theo kênh này, ông Yoshikazu Nonomura - Chủ tịch các giải đấu chuyên nghiệp Nhật Bản (J.League) đứng sau việc đưa tiền vệ tuyển thủ Việt Nam đến Nhật Bản.
Đáng chú ý, ông Nonomura từng giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Consadole Sapporo vào năm 2013 và là người quyết định mượn tiền đạo Lê Công Vinh giai đoạn tháng 7/2013 - 11/2013.
Hiện với cương vị người chịu trách nhiệm các giải đấu nhà nghề Nhật Bản, ông Nonomura và các cộng sự đang xây dựng lịch thi đấu, chuyển sang thể thức giống như bóng đá châu Âu – một mùa giải kéo dài qua 2 năm.
Tại J.League 1 mùa 2024, Consadole Sapporo đang vật lộn ở nhóm cuối bảng. Thế nên, đội bóng cũ của Công Vinh buộc phải chạy đua tăng cường lực lượng và mong đợi được tiếp sức từ những cầu thủ ngôi sao như Quang Hải nhằm lật ngược tình thế ở giai đoạn lượt về.
Ở Consadole Sapporo hiện có 1 cầu thủ từ khu vực Đông Nam Á, đó là Supachok Sarachat của Thái Lan. “Nhờ sự hậu thuẫn của ông Nonomura, Consadole Sapporo sẽ chiêu mộ thêm cầu thủ chất lượng. Nếu Quang Hải đến đây sẽ đánh dấu bước ngoặt cho cả hai. Người hâm mộ Consadole Sapporo háo hức muốn xem kỹ năng của Quang Hải thể hiện như thế nào ở J.League 1”, theo trang Yahoo Nhật Bản.
J.League 1 từng chứng kiến thành công của nhiều cầu thủ Đông Nam Á, hay đúng hơn là những tuyển thủ Thái Lan. Khoác áo Consadole Sapporo từ tháng 7/2017, theo hợp đồng cho mượn 18 tháng từ Muangthong United, Chanathip tỏa sáng rực rỡ với thành tích được vinh danh vào đội hình tiêu biểu J-League 1 và nhận giải “Cầu thủ hay nhất Consadole Sapporo” năm 2018. Vậy nên, đến tháng 1/2019, Consadole mua đứt cầu thủ sinh năm 1993 này với giá 2,5 triệu USD.
Chanathip sau đó gia nhập Kawasaki Frontale đầu năm 2022 với giá 3,8 triệu USD. Tuy nhiên, chấn thương khiến anh không đáp ứng sự kỳ vọng ở đội bóng mới và sau hơn một năm, tuyển thủ Thái Lan trở về quê nhà khoác áo BG Pathum United.
Quang Hải từng có chuyến xuất ngoại không thành công, đến FC Pau. Dù chỉ là giải hạng Nhì nước Pháp, song khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và điều cốt yếu - chuyên môn chưa có được sự “tương thích” cần thiết đã khiến tiền vệ này thất bại. Cả mùa cầu thủ ngôi sao của bóng đá Việt Nam chỉ được ra sân 12 trận, thi đấu vỏn vẹn 254 phút, trong đó có 2 lần đá chính và ghi 1 bàn thắng.
Tuy nhiên, dấu ấn của Chanathip với bóng đá Nhật Bản, một cầu thủ có chiều cao khiêm tốn 1,63m có thể tiếp thêm sức mạnh cho Quang Hải. Anh tự tin hơn nếu lựa chọn khoác áo Consadole Sapporo. Dù vậy, đây cũng là sự mạo hiểm bởi chưa cầu thủ Việt Nam nào thành công với bóng đá đất nước Mặt trời mọc.
Công Vinh được coi là thành công nhất, thi đấu 9 trận, ghi 2 bàn thắng và có 2 kiến tạo thành bàn. Nhưng lúc đó Consadole Sapporo thi đấu tại J.League 2, chất lượng chuyên môn ở vị trí thấp hơn rất nhiều so với J.League 1.
Tuấn Anh đến Yokohama FC năm 2016 theo bản hợp đồng cho mượn từ Hoàng Anh Gia Lai. Anh không được ra sân 1 phút nào tại J.League 2. Đội bóng này chỉ tạo điều kiện cho Tuấn Anh thi đấu 2 trận tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản.
Thủ môn Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam đầu tiên khoác áo một đội bóng tại J.League 1, song anh chỉ là sự lựa chọn số 3 ở Câu lạc bộ Cerezo Osaka. Kết thúc 2 năm ở Nhật Bản, thủ môn số 1 của đội tuyển Việt Nam khi đó không được ra sân trận nào ở giải đấu hàng đầu đất nước này.
Công Phượng là gương mặt duy nhất của bóng đá Việt Nam đang thi đấu ở Nhật Bản, khoác áo Yokohama FC. Mùa trước anh chỉ được vào sân thay người khi trận đấu đến phút bù giờ cuối cùng tại Cúp Quốc gia Nhật Bản. Mùa này, tiền đạo sinh năm 1995 được trao cơ hội đá chính 1 trận, khoảng 60 phút.
Thế nên, thử thách khắc nghiệt đang chờ Quang Hải ở phía trước nếu anh đến Nhật Bản. Không dễ để cầu thủ 27 tuổi nhanh chóng hòa nhập với đội bóng mới, lối chơi và văn hóa mới. Ngoài ra, Consadole Sapporo đang chạy đua chống xuống hạng, nên họ không thể mạo hiểm với cầu thủ mới nếu người đó không thuộc diện xuất sắc.
Bài toán đội tuyển
Những vấn đề xoay quanh tương lai Quang Hải mới dừng ở mức độ… thông tin. Khả năng nào cũng có thể xảy ra, trong đó có cả phương án anh ở lại Công an Hà Nội nếu như 2 bên thống nhất được về chế độ, cũng như huấn luyện viên Mano Polking bảo đảm một vị trí xứng đáng mùa tới.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng, một đội bóng đại gia khác ở V-League sẽ trải thảm đỏ đưa Quang Hải về, tồn tại song song với lựa chọn xuất ngoại cho đến khi cầu thủ này chính thức ký hợp đồng mới để chấm dứt mọi đồn đoán. Nhưng đi đâu, về đâu thì Quang Hải vẫn cần phải lấy lại giá trị của mình vốn đang mai một ở đội tuyển quốc gia.
Thật khó tin một cầu thủ thuộc diện tài năng hàng đầu của bóng đá Việt Nam, có lẽ anh thuộc vị trí xuất sắc lứa 1995 - 1997 lại không có chỗ đứng trong đội hình tham chiến ở nhiều giải đấu lớn gần đây.
Đơn cử, 2 trận đấu sống còn với Indonesia vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á tháng 3 vừa qua, tiền vệ sinh năm 1997 đều không được ra sân thi đấu một phút nào. Nguyên nhân khách quan thuộc về cách dùng người của ông Troussier trong vai trò huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Cách ứng xử “cứng nhắc và bảo thủ”, thậm chí “sai lầm” của chiến lược gia người Pháp đã khiến cho Quang Hải ức chế đến bật khóc ở trận thua Indonesia tại Mỹ Đình.
Thời của Troussier đã kết thúc. Đội tuyển Việt Nam được trao vào tay ông thầy trẻ tuổi Kim Sang Sik để bắt đầu hành trình mới. Quang Hải có tên trong danh sách tập trung chuẩn bị cho 2 trận còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup 2026, gặp Philippines (6/6) và Iraq (12/6).
Nhiều đồng đội của Quang Hải giai đoạn ông Park Hang Seo cầm quân được triệu tập như Duy Mạnh, Văn Thanh, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Văn Toàn hay Tiến Linh. Vậy nên, đã đến lúc, tiền vệ ngôi sao sinh năm 1997 cần giành lại chỗ đứng ở đội tuyển quốc gia và cùng các đồng đội tạo dựng niềm tin, định hình lộ trình mới cho một giai đoạn mới.
Nếu tỏa sáng ở vòng loại World Cup sắp tới, về mặt cá nhân, chắc chắn thương hiệu Quang Hải còn có giá cao hơn và nhiều lợi thế trên bàn đàm phán hợp đồng với bất cứ đối tác nào.
Danh sách 27 cầu thủ đội tuyển Việt Nam
Thủ môn (4): Nguyễn Filip (Công an Hà Nội), Đặng Văn Lâm (Bình Định), Nguyễn Đình Triệu (Hải Phòng), Quan Văn Chuẩn (Hà Nội).
Hậu vệ (9):Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Thanh Bình, Phan Tuấn Tài (Thể Công - Viettel), Bùi Hoàng Việt Anh, Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh (Công an Hà Nội), Đỗ Duy Mạnh, Phạm Xuân Mạnh (Hà Nội).
Tiền vệ (8): Nguyễn Hoàng Đức, Khuất Văn Khang (Thể Công - Viettel), Nguyễn Tuấn Anh, Tô Văn Vũ (Nam Định), Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Văn Trường (Hà Nội), Nguyễn Thái Sơn (Thanh Hóa), Nguyễn Quang Hải (Công an Hà Nội).
Tiền đạo (6): Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Văn Tùng (Hà Nội), Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương), Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Toàn (Nam Định).