Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên tục đưa ra các kết luận mà dư luận hết sức quan tâm liên quan đến một số cán bộ vi phạm. Ông đánh giá thế nào về những kết luận này cũng như công tác xử lý cán bộ vi phạm của Đảng hiện nay?
Các cơ quan của Đảng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt những kết luận vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao vì vừa có lý, vừa có tình khi chỉ rõ “một bộ phận” thoái hóa, biến chất.
Tuy nhiên, từ những sai phạm này cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác cán bộ, từ tuyển chọn đến bổ nhiệm, giám sát, dẫn đến tình trạng thoái hóa, biến chất của không ít cán bộ có chức, có quyền.
Trước “sức nóng” của các vụ việc liên quan đến công tác cán bộ, ông nghĩ sao về kiến nghị cần thiết phải tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác kiểm tra của Đảng. Ghi nhớ lời Bác, nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định: “Đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”.
Tôi cho rằng không chỉ chính quyền mà cả cấp ủy các cấp cũng phải thực hiện rà soát, kiểm tra lại toàn bộ. Bởi thực tế tình trạng “con ông cháu cha”, thân quen được cất nhắc, bổ nhiệm với quy trình “chóng mặt” rất nhiều. Chúng ta phải làm chặt để đào thải những đối tượng đó, làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo, quản lý Nhà nước.
Đây là việc khó, đòi hỏi cơ quan chủ trì phải tập hợp được những người không chỉ giỏi nghiệp vụ, sống trong sạch mà còn phải có bản lĩnh, không nể nang, né tránh.
Nhiệm vụ này cũng cần làm chặt chẽ, không hấp tấp. Muốn có kết quả cao, phải dựa vào dân, để dân giám sát, phản ánh những điều trung thực nhất.
Quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người
Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đang được dư luận quan tâm theo dõi khi tập trung một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Ông nhận định thế nào về những vấn đề trong công tác cán bộ được Hội nghị Trung ương 7 đặt ra?
Trước khi Hội nghị Trung ương 7 khoá XII diễn ra, đã có nhiều hội nghị, hội thảo nhằm phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người trong việc chuẩn bị Hội nghị này.
Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào giữa nhiệm kỳ, nên tôi cho rằng Trung ương sẽ kiểm điểm những cái được và chưa được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua để rút kinh nghiệm cho nửa nhiệm kỳ còn lại.
Như vậy, đây là Hội nghị mang tính “bản lề”, rất quan trọng. Trong Hội nghị lần này, rất mong các đồng chí Ủy viên Trung ương hãy tỉnh táo, sáng suốt, làm hết trách nhiệm của mình. Vai trò của các Ủy viên Trung ương rất quan trọng vì là người biểu quyết các các nghị quyết của Trung ương, nên tôi mong rằng các đồng chí hãy lấy dân làm gốc, dựa vào dân, cùng dân chung sức đồng lòng, phát hiện những cán bộ có sai phạm để xử lý kịp thời.
Trong hội nghị Trung ương 7 lần này, vấn đề nào được xem là quan trọng nhất trong các vấn đề được bàn bạc và cho ý kiến?
Theo tôi quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, vấn đề cơ bản chính là công tác cán bộ.
Bởi vì cán bộ nói đến ở đây là con người cụ thể. Người được lựa chọn phải là những người có tâm, có tầm, phải là những người thật sự trong sạch, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Tiếp theo là vấn đề dân chủ. Cán bộ phải thực sự lắng nghe dân và phải lấy dân làm gốc. Hội nghị Trung ương 6 đã nói rất nhiều đến điều này. Nhưng bây giờ cần giải quyết kỹ hơn: Lấy dân làm gốc như thế nào, nghe dân như thế nào, tổ chức nghe dân như thế nào?
Nếu đã là lắng nghe dân thì Đảng ta phải chọn lọc để nghe, biết, rồi từ đó kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các vấn đề chưa tốt. Tôi rất mong đợi Hội nghị này sẽ có các quyết sách cụ thể tiếp tục rà soát lại từng cán bộ, đảng viên để xem ai trong sạch và không trong sạch. Những người không đủ tư cách đạo đức, năng lực thì nên cho nghỉ việc hoặc cho chuyển sang làm công việc khác. Những người đã có vi phạm thì phải xử lý.
Đây là những việc rất quan trọng và cấp bách, là trách nhiệm lớn lao đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Trung ương lần này.
Theo ông, công cuộc chống tham nhũng có tác động thế nào đến tư tưởng của những cán bộ, đảng viên hiện nay?
Tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là bước đầu, “lò cũng vừa nóng thôi” và cần phải tiếp tục làm mạnh hơn nữa.
Như Bác Hồ đã nói: “Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện, còn giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ nhìn thấy. Vì giặc nội xâm và ngoại xâm cấu kết nhau, chúng ta không chỉ chống giặc bên ngoài, giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc bên trong, giặc nội xâm. Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Do đó, đây phải là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt để xây dựng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Quyết tâm ấy cũng được Đảng cụ thể hóa từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) rồi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Chúng ta vừa kỷ niệm 43 năm Ngày thống nhất đất nước. Đã là người Việt Nam, có ai không hiểu được cuộc sống hòa bình của chúng ta ngày hôm nay thấm đẫm máu và nước mắt, được đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước.
Những cán bộ đảng viên đã “nhúng chàm” hay đang có mưu đồ cá nhân hãy soi lại bản thân và tự đặt câu hỏi tại sao lại hành động như một kẻ vô trách nhiệm với đất nước, phản bội máu xương những người đã đổ xuống cho độc lập tự do, phản bội lại lý tưởng cao đẹp, phản bội lại sự tin tưởng của nhân dân!
Tôi mong rằng người dân Việt Nam hãy đoàn kết, ủng hộ, đồng lòng với Đảng, tiếp tục giúp Trung ương phát hiện những cán bộ, đảng viên sai phạm. Hy vọng những cán bộ, đảng viên không trong sạch sớm tỉnh táo lại, không đánh mất mình, quay lại xin lỗi nhân dân, sửa chữa những sai phạm, cũng như xin thôi chức.
Cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua đã có những thắng lợi rất đáng khích lệ. Những sai trái, biến chất của cán bộ đảng viên đã được phát hiện từ nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, giờ mới được cụ thể hóa,đi vào thực chất và tìm đúng địa chỉ.
Việc kịp thời phát hiện, thậm chí xử lý không chỉ trừng phạt những người có sai phạm đứng trên pháp luật phá hoại kinh tế, phá hoại cơ quan, tổ chức, mà còn có tác dụng răn đe những người có âm mưu nhưng chưa bị lộ không lấn sâu vào tội lỗi, biết dừng ở lại. Tôi cho rằng đây là việc làm kịp thời và nhân văn.
Có vui vẻ gì khi hôm trước vừa gọi một người là đồng chí, hôm nay đã phải gọi là bị cáo, bị can, là tội phạm. Nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm, quyết liệt làm. Có như vậy xã hội mới yên ổn, phát triển văn minh.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện được những biểu hiện sai trái, thoái hóa biến chất trong nội bộ Đảng, trong cán bộ đảng viên. Sau đó là xử lý từng nơi, rõ ràng từng con người, từng địa chỉ. Như vậy, Đảng lãnh đạo, các cơ quan Nhà nước vào cuộc, đã thực hiện nói đi đôi với làm.
Đây là điều rất đáng khích lệ, rất đáng hoan nghênh, tạo niềm tin khá rõ ràng cho mọi người dân, nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước. Nhân dân và những đảng viên kiên trung luôn ủng hộ điều đó.