(GD&TĐ) - Đó là ý kiến nhận xét của cô Phạm Ngọc Thùy Trang, tổ trưởng tổ Văn trường THPT Phạm Văn Sáng (Hóc Môn, TPHCM) về đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cô Trang nói: Tại TPHCM, việc ra đề theo hướng mở từ thực tế bằng những câu chuyện mang tính nhân văn, giáo dục đã được nhiều trường làm từ lâu. Tuy chưa phải phổ biến, nhưng hiệu quả của việc ra đề theo cách gắn sự kiện thời sự, các câu chuyện, tình huống đời sống đẹp, đã mang lại những tác động rất tích cực nơi học sinh.
Là giáo viên Văn nên tôi nhận thấy rất rõ giá trị của dạng đề này mang lại, nó không chỉ kích thích những khát vọng sẻ chia, đồng cảm nơi học sinh, giúp các em định hướng tư duy và cảm thụ những giá trị tốt đẹp, biến những giá trị ấy thành vốn sống, kỹ năng cho mình.
Mặt khác, từ những câu chuyện đẹp trong thực tế, việc yêu cầu các em bình luận, phân tích cũng giúp các em hình thành nên những phương cách ứng xử nhân văn, nhân ái.
Đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua tạo được sức hút và sự đánh giá tốt từ dư luận và xã hội cho thấy: Đã đến lúc việc dạy văn trong nhà trường cần mang tính sống động, phương thức ra đề cần thực tế hóa, gần gũi đời sống nhiều hơn.
Việc ra đề thi mở tất yếu đòi hỏi việc chấm bài phải mở theo nhiều góc độ cảm thụ, bình luận và kiến giải vấn đề của học sinh. Việc đóng khung trong phương thức chấm đề Văn dạng này không chỉ “bóp chết” những ý tưởng, kiến giải, nhận định sáng tạo nơi các em, mà còn đi ngược lại với phương châm giáo dục của Văn học đó là khơi nguồn sáng tạo nơi học sinh.
Tuy thế, quan điểm chấm theo hướng mở vẫn khiến nhiều người băn khoăn, mở đến đâu và mở như thế nào? Để đánh giá và chấm bài cho học sinh một cách công bằng nhất, theo tôi, việc chấm và đánh giá bài thi theo hướng mở cần dựa trên 3 yếu tố căn bản:
Thứ nhất, người chấm cần cân đo các ý tứ, cảm nhận chung của học sinh trên nền tảng định hướng chính của chủ đề đưa ra. Bởi với một đề bài, học sinh có thể cảm, bình, phân tích theo nhiều góc cạnh và cảm thụ khác nhau. Có em sẽ xem câu chuyện của em Nam hi sinh thân mình cứu các bạn là hành động dũng cảm, nhưng cũng có em xem đó là hành động nhân ái hoặc một sư hi sinh cao cả….
Tất cả các phân tích ấy cần được người “chấm” dũng cảm đánh giá và nhìn nhận. Bởi trên thực tế định hướng của đề ra đều hướng đến cách thức giáo dục, định hướng những giá trị tốt đẹp ấy cho học sinh.
Thứ hai, việc chấm theo hướng mở rất cần phải dựa trên định hướng mang tính giáo dục tư tưởng cho học sinh phổ thông mà đề hướng đến. Vì thế, người chấm đừng quá nặng nề các cách thức hành văn của học sinh.
Các em có thể đi đến vấn đề bằng cách này hay cách khác. Nhưng nếu nhận thấy tính định hướng và phân tích đúng, mang tính chắc chắn cho các phân tích lập luận mà các em cho rằng đúng (nhưng không sai định hướng của đề thi) thì cũng nên cho điểm các em.
Cuối cùng, việc mở trong cách chấm cũng cần phải căn cứ và dựa trên những chuẩn mực văn hóa, đạo đức nhất định của truyền thống dân tộc. Trong đó, quan trọng nhất đừng để quan điểm cá nhân của người chấm xung đột với nhau (mỗi người có quan điểm, cách nhìn bài văn khác nhau) mà khiến học sinh thiệt thòi, mất điểm khi chỉ nêu được các ý tương tự về 3 định hướng của đề bài hướng đến, làm được những điều đó thì người chấm (thầy cô giáo) mới thật sự “cùng mở” với đề thi năm nay.
Tôi thấy, đề thi Văn năm nay rất hay, mang tính thời sự và giáo dục rất cao. Chính vì thế, lối ra đề kiểu này cần được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đưa nhiều hơn vào các đề thi để tạo tính định hướng, giáo dục cho học sinh, đồng thời tránh đi sự khô cứng trong cảm thụ văn học nơi học sinh.
Anh Tú ghi