Quận Tây Hồ xét duyệt Giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

GD&TĐ - Chiều 20/5, Phòng GD&ĐT Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7, năm 2023.

9 nhà giáo tiêu biểu, tâm huyết, sáng tạo của quận Tây Hồ được vinh danh, khen thưởng.
9 nhà giáo tiêu biểu, tâm huyết, sáng tạo của quận Tây Hồ được vinh danh, khen thưởng.

Những nhà giáo say nghề

Tại buổi xét duyệt, 9 nhà giáo là 9 gương mặt tiêu biểu của ngành Giáo dục quận Tây Hồ. Các thầy, cô đã thể hiện sự say mê, tâm huyết, sáng tạo của mình dạy học và các hoạt động giáo dục.

Hội đồng xét Giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' lần thứ 7, năm 2023 của quận Tây Hồ.

Hội đồng xét Giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' lần thứ 7, năm 2023 của quận Tây Hồ.

Có thể điểm qua một số gương mặt trong 9 thầy cô.

12 năm gắn bó với Trường Mầm non Tây Hồ, cô giáo Phùng Hương Giang đã nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô Giang đã cùng với đồng nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tìm ra giải pháp tối ưu để xây dựng hoạt động cho trẻ.

Cô đổi mới, sáng tạo từ thiết kế môi trường giáo dục đến việc lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi, học tập phù hợp với khả năng của trẻ, tình hình thực tế của trường, lớp.

Cô Giang thực hiện triển khai kế hoạch sử dụng nguyên vật liệu thông minh để thiết kế lớp học theo hướng tiếp cận Reggio Emilia và dạy học dự án. Theo đó, cô tự tay thu gom các nguyên vật liệu và thiết kế lớp học; tạo cho trẻ môi trường hoạt động lý tưởng và mang đến những trải nghiệm thú vị hoàn toàn khác biệt với không gian đầy ắp nguyên vật liệu thông minh.

Cô giáo Phùng Hương Giang - giáo viên Trường Mầm non Tây Hồ báo cáo về những tâm huyết, sáng tạo, đổi mới của mình trước Hội đồng xét Giải.

Cô giáo Phùng Hương Giang - giáo viên Trường Mầm non Tây Hồ báo cáo về những tâm huyết, sáng tạo, đổi mới của mình trước Hội đồng xét Giải.

Năm 2005, cô Kiều Thị Thu Hiền về công tác tại Trường tiểu học Nhật Tân. Cô được Ban giám hiệu phân công làm Tổng phụ trách Đội và gắn bó công việc này cho đến nay.

Cô Hiền trăn trở, tìm tòi các hình thức tổ chức phong phú đa dạng nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia. Theo đó, cô đã phối hợp tốt với đồng nghiệp nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt dưới cờ, giáo dục truyền thống, đạo đức, nếp sống cho học sinh.

Tổ chức thành công nhiều chuyên đề giáo dục kỹ năng sống và các cuộc thi: “Tài năng Nhật Tân”, “Em tập làm MC & hướng dẫn viên du lịch”, “Đầu bếp nhí”, “Nhà sử học nhỏ tuổi” để các em có nhiều cơ hội rèn luyện phát triển bản thân.

Cô Kiều Thị Thu Hiền về công tác tại Trường tiểu học Nhật Tân tự tin trình bày những đổi mới, sáng tạo trong công việc của mình.

Cô Kiều Thị Thu Hiền về công tác tại Trường tiểu học Nhật Tân tự tin trình bày những đổi mới, sáng tạo trong công việc của mình.

Ngoài ra, cô Hiền là một trong những giáo viên Tổng phụ trách đội đầu tiên của quận Tây Hồ đưa mô hình “Hội chợ quê” vào trường học, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và nhân rộng mô hình này ở các trường.

Sau đó, cô sáng tạo thay đổi mô hình thành “Chợ xuân 3 miền”, “Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc”, “Ngày hội giao lưu văn hóa các nước”. Trong thời điểm đại dịch covid-19 bùng phát, học sinh học “online”, cô Hiền vẫn không ngừng sáng tạo, thay đổi hình thức các hoạt động cho phù hợp để các em tham gia hoạt động Đội đạt hiệu quả.

Đợt sinh hoạt chuyên môn lớn

Với nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, cô Nguyễn Thanh Hằng – giáo viên Trường THCS Quảng An đã đạt giải Nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi bộ môn Toán cấp thành phố năm học 2022 – 2023.

Trong quá trình công tác, cô Hằng luôn có ý thức đưa vào môn học những điều thú vị, gần gũi; từ đó khơi gợi sự hứng thú cho học sinh trong từng giờ học Toán. Mỗi bài học, cô chủ động gợi mở để học sinh nhận thấy, Toán học bắt nguồn từ cuộc sống.

Cô Nguyễn Thanh Hằng – giáo viên Trường THCS Quảng An tự tin trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét Giải.

Cô Nguyễn Thanh Hằng – giáo viên Trường THCS Quảng An tự tin trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét Giải.

Theo cô Hằng, Toán học bước ra cuộc đời trong từng việc làm cụ thể. Đó là khi Toán học giúp những người dân làng nghề truyền thống tính bờ, tính thửa; tính năng suất cây trồng; giúp người kiến trúc sư thiết kế các công trình…

Chính những câu chuyện bình dị, gần gũi, sinh động đã giúp học sinh hiểu hơn và đam mê hơn với những tìm tòi có tính ứng dụng của môn Toán, phù hợp với nhận thức và phát triển năng lực của học sinh theo từng lứa tuổi. Đồng thời cũng khiến cho mối quan hệ cô trò thân mật và tình cảm hơn….

Thầy Đặng Việt Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hồ - cho hay, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động lần đầu tiên vào năm học 2016-2017.

Năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tổ chức xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Tây Hồ tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7. Qua diễn đàn này, nhằm lựa chọn, vinh danh những tấm gương thầy, cô giáo tiêu biểu ở cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS.

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam góp ý, trao đổi với 9 thầy, cô giáo tham gia xét duyệt Giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' năm 2023 của quận Tây Hồ.

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam góp ý, trao đổi với 9 thầy, cô giáo tham gia xét duyệt Giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' năm 2023 của quận Tây Hồ.

Theo thầy Đặng Việt Hà, hai tiêu chuẩn cơ bản để xét tặng Giải thưởng là tâm huyết với nghề và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Giải thưởng còn đặc biệt quan tâm đến yếu tố khơi nguồn, truyền cảm hứng của nhà giáo cho đồng nghiệp và là tấm gương cho học sinh noi theo.

Ghi nhận và biểu dương 9 nhà giáo viên tiêu biểu của quận Tây Hồ tham gia xét duyệt “Giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”; ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – khẳng định, mỗi thầy, cô giáo đều có những đổi mới, sáng tạo riêng trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Các thầy, cô giáo đã cho chúng tôi thấy được sự hăng say với nghề, với những những đổi mới, sáng tạo của mình trong giáo dục và giảng dạy. Tôi vui khi thấy quận Tây Hồ có đội ngũ tâm huyết, sáng tạo, trách nhiệm với nghề dạy học” – ông Ân bày tỏ.

Theo ông Ân, chương trình xét duyệt Giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo là đợt sinh hoạt chuyên môn lớn, có hiệu ứng tích cực và lan tỏa sâu rộng; nhất là hiện nay giáo viên phải đối mặt với những vấn đề mới và khó. Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, sáng tạo, năng động và không ngừng đổi mới trong công việc của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ